Lập, thẩm định và phê duyệt Thiết kế - dự toán công trình y tế sử dụng ngân sách nhà nước được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Lập, thẩm định và phê duyệt Thiết kế - dự toán công trình y tế sử dụng ngân sách nhà nước được quy định như thế nào?
Việc lập, thẩm định và phê duyệt Thiết kế - dự toán công trình y tế sử dụng ngân sách nhà nước được quy định tại Tiểu mục 3 Mục 4 Quyết định 2718/QĐ-BYT năm 2014 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình y tế sử dụng ngân sách nhà nước do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, cụ thể như sau:
Lập, thẩm tra, thẩm định thiết kế - dự toán công trình:
Hồ sơ Thiết kế - dự toán được lập cho từng công trình phải phù hợp với Thiết kế cơ sở đã được phê duyệt kèm theo Dự án đầu tư; nội dung Thiết kế - dự toán công trình phải theo đúng các quy định hiện hành của Bộ Xây dựng về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
- Đối với các công trình cấp I, cấp đặc biệt và công trình quan trọng quốc gia được Thủ tướng giao, Chủ đầu tư gửi Hồ sơ thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở đến Bộ Xây dựng để thẩm tra, Vụ Trang thiết bị-công trình y tế - Bộ Y tế kiểm tra (đối với dự án Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định đầu tư) trước khi tổ chức thẩm định/phê duyệt.
- Đối với các công trình cấp II, cấp III và các công trình xử lý chất thải rắn độc hại không phân biệt cấp; Chủ đầu tư gửi Hồ sơ thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở đến Sở Xây dựng địa phương thẩm tra, Vụ Trang thiết bị-công trình y tế - Bộ Y tế (đối với dự án Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định đầu tư) kiểm tra trước khi tổ chức thẩm định/phê duyệt.
- Các công trình khác không thuộc các cấp công trình nêu trên, Chủ đầu tư tự thẩm tra, hoặc thuê tổ chức, tư vấn cá nhân thẩm tra trước khi tổ chức thẩm định và phê duyệt theo quy định hiện hành.
Phê duyệt thiết kế - dự toán công trình:
Sau khi được Bộ Xây dựng hoặc Sở Xây dựng địa phương thẩm tra thiết kế theo quy định nêu trên; Chủ đầu tư căn cứ vào kết quả thẩm tra thiết kế-dự toán công trình nêu trên để thẩm định/phê duyệt. Hồ sơ Thiết kế - dự toán công trình là tài liệu cơ bản để phân bổ vốn đầu tư cho dự án.
Hồ sơ Thiết kế bản vẽ thi công và dự toán của từng hạng mục công trình phải được thẩm định, phê duyệt trước khi lập kế hoạch đấu thầu xây dựng hạng mục đó.
Chủ đầu tư các dự án do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định đầu tư được phép phê duyệt các bước thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, phê duyệt dự toán công trình.
Thay đổi thiết kế xây dựng công trình: Việc thay đổi thiết kế xây dựng công trình được thực hiện theo Điều 22-NĐ15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ và Điều 6-TT13/2013/TT-BXD ngày 15/8/2013 của Bộ Xây dựng, cụ thể như sau:
- Thiết kế xây dựng công trình đó phê duyệt được thay đổi trong các trường hợp sau đây:
+ Khi dự án đầu tư xây dựng công trình được điều chỉnh có yêu cầu phải thay đổi thiết kế;
+ Trong quá trình thi công xây dựng công trình phát hiện thấy những yếu tố bất hợp lý nếu không thay đổi thiết kế sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công trình, tiến độ thi công xây dựng, biện pháp thi công và hiệu quả đầu tư của dự án.
- Đối với công trình sử dụng nguồn vốn nhà nước, khi điều chỉnh thiết kế làm thay đổi địa điểm, quy hoạch xây dựng, mục tiêu, quy mô hoặc làm vượt tổng mức đầu tư đã được duyệt của công trình thì chủ đầu tư phải trình người quyết định đầu tư thẩm định, phê duyệt lại nội dung điều chỉnh. Trường hợp còn lại, chủ đầu tư được quyền quyết định thay đổi thiết kế. Những nội dung điều chỉnh thiết kế phải được thẩm định, thẩm tra, phê duyệt lại theo quy định của Nghị định số 15/2013/NĐ-CP và Thông tư 13/2014/TT-BXD.
- Nhà thầu thiết kế có nghĩa vụ sửa đổi, bổ sung hoặc thay đổi các thiết kế bất hợp lý do lỗi của mình gây ra và có quyền từ chối những yêu cầu điều chỉnh thiết kế bất hợp lý của chủ đầu tư.
- Chủ đầu tư có quyền thuê nhà thầu thiết kế khác thực hiện sửa đổi, bổ sung thay đổi thiết kế trong trường hợp nhà thầu thiết kế ban đầu không thực hiện các việc này. Nhà thầu thiết kế thực hiện sửa đổi, bổ sung thay đổi thiết kế phải chịu trách nhiệm về những nội dung do mình thực hiện.
Chủ đầu tư được phép điều chỉnh cơ cấu vốn (xây dựng, thiết bị, tư vấn, quản lý dự án, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí khác và chi phí dự phòng) trong Tổng dự toán nhưng không được vượt Tổng mức đầu tư của dự án, không được thay đổi quy mô, nội dung, mục tiêu của dự án. Sau khi thực hiện việc điều chỉnh cơ cấu vốn trong Tổng dự toán, chủ đầu tư phải báo cáo Bộ Y tế kết quả điều chỉnh của mình.