Kinh doanh dịch vụ karaoke cần điều kiện gì? Quán karaoke gây cháy lan sang nhà khác chủ quán có phải bồi thường không?
Nội dung chính
Dịch vụ karaoke là gì?
Căn cứ theo Điều 2 Nghị định 54/2019/NĐ-CP quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Dịch vụ karaoke là dịch vụ cung cấp âm thanh, ánh sáng, nhạc, lời bài hát và hình ảnh thể hiện trên màn hình (hoặc hình thức tương tự) phục vụ cho hoạt động ca hát tại các cơ sở đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke theo quy định của Nghị định này.
2. Dịch vụ vũ trường là dịch vụ cung cấp sàn nhảy, sân khấu, âm thanh, ánh sáng phục vụ cho hoạt động khiêu vũ, ca hát hoặc chương trình nghệ thuật tại các cơ sở đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ vũ trường theo quy định của Nghị định này.
Như vậy, dịch vụ karaoke là dịch vụ cung cấp âm thanh, ánh sáng, nhạc, lời bài hát và hình ảnh trên màn hình để phục vụ hoạt động ca hát tại các cơ sở đủ điều kiện theo quy định.
Kinh doanh dịch vụ karaoke cần đáp ứng những điều kiện nào?
Căn cứ theo Điều 4 Nghị định 54/2019/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke bao gồm:
Điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke
1. Là doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật.
2. Bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
3. Phòng hát phải có diện tích sử dụng từ 20 m2 trở lên, không kể công trình phụ.
4. Không được đặt chốt cửa bên trong phòng hát hoặc đặt thiết bị báo động (trừ các thiết bị báo cháy nổ).
Theo như quy định trên thì để kinh doanh dịch vụ karaoke, cần tuân thủ các điều kiện bao gồm:
- Đăng ký kinh doanh hợp pháp dưới dạng doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh;
- Đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy và an ninh trật tự;
- Phòng hát có diện tích tối thiểu 20 m² (không tính công trình phụ);
- Không được lắp chốt cửa bên trong hay thiết bị báo động không đúng quy định.
Kinh doanh dịch vụ karaoke cần điều kiện gì? Quán karaoke gây cháy lan sang nhà khác chủ quán có phải bồi thường không? (Hình ảnh từ Internet)
Trường hợp quán karaoke làm cháy lan sang nhà người khác chủ quán có phải bồi thường thiệt hại không?
Căn cứ theo Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 quy định căn cứ phát sinh trách nhiêm bồi thường thiệt hại như sau:
Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Theo như quy định trên thì trong trường hợp quán karaoke làm cháy lan sang nhà người khác, chủ quán có trách nhiệm bồi thường thiệt hại vì đã xâm phạm đến tài sản của người khác.
Trách nhiệm bồi thường sẽ không áp dụng nếu cháy lan do sự kiện bất khả kháng hoặc lỗi hoàn toàn do bên bị thiệt hại gây ra.
Như vậy, nếu không có bằng chứng về các yếu tố trên, chủ quán karaoke vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho thiệt hại đã gây ra.
Trong trường hợp quán karaoke bị cháy gây thiệt hại tài sản cho các nhà bên cạnh, chủ quán có thể bị phạt hành chính bao nhiêu?
Căn cứ theo Điều 51 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm trong việc để xảy ra cháy, nổ
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản dưới 20.000.000 đồng.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ mà gây thiệt hại về tài sản trên 100.000.000 đồng;
b) Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61%;
c) Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này dưới 61%.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b và c khoản 4 Điều này.
Như vậy, trường hợp quán karaoke gây cháy nổ làm thiệt hại tài sản các nhà bên cạnh, mức phạt sẽ phụ thuộc vào giá trị thiệt hại. Theo Điều 51 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, mức phạt có thể dao động từ 100.000 đồng đến 10.000.000 đồng, kèm theo yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Lưu ý: Theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì mức phạt tiền quy định trên là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.