Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kiểm toán viên hành nghề không được thực hiện kiểm toán trong trường hợp nào theo quy định của pháp luật hiện nay?

Kiểm toán viên hành nghề không được thực hiện kiểm toán trong trường hợp nào? Kiểm toán viên nhà nước bị nghiêm cấm thực hiện các hành vi nào?

Nội dung chính

    Kiểm toán viên hành nghề không được thực hiện kiểm toán trong trường hợp nào theo quy định của pháp luật hiện nay?

    Căn cứ theo Điều 19 Luật Kiểm toán độc lập 2011, kiểm toán viên hành nghề không được phép thực hiện kiểm toán khi thuộc các trường hợp dưới đây:

    - Là thành viên, cổ đông sáng lập hoặc mua cổ phần, góp vốn vào đơn vị được kiểm toán.

    - Là người giữ chức vụ quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát hoặc là kế toán trưởng của đơn vị được kiểm toán.

    - Là người đã từng giữ chức vụ quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát, kế toán trưởng của đơn vị được kiểm toán cho các năm tài chính được kiểm toán.

    - Trong thời gian hai năm, kể từ thời điểm thôi giữ chức vụ quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát, kế toán trưởng của đơn vị được kiểm toán.

    - Là người đang thực hiện hoặc đã thực hiện trong năm trước liền kề công việc ghi sổ kế toán, lập báo cáo tài chính hoặc thực hiện kiểm toán nội bộ cho đơn vị được kiểm toán.

    - Là người đang thực hiện hoặc đã thực hiện trong năm trước liền kề dịch vụ khác với các dịch vụ quy định tại khoản 5 Điều này có ảnh hưởng đến tính độc lập của kiểm toán viên hành nghề theo quy định của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán.

    - Có bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột là người có lợi ích tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp đáng kể trong đơn vị được kiểm toán theo quy định của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán hoặc là người giữ chức vụ quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát, kế toán trưởng của đơn vị được kiểm toán.

    - Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

    Kiểm toán viên hành nghề không được thực hiện kiểm toán trong trường hợp nào theo quy định của pháp luật hiện nay? (Hình từ Internet)

    Kiểm toán viên nhà nước bị nghiêm cấm thực hiện các hành vi nào?

    Căn cứ theo Điều 8 Luật Kiểm toán nhà nước 2015, Kiểm toán viên nhà nước bị nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau đây:

    - Sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đơn vị được kiểm toán.

    - Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm toán.

    - Đưa, nhận, môi giới hối lộ.

    - Báo cáo sai lệch, không đầy đủ kết quả kiểm toán.

    - Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi.

    - Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp của đơn vị được kiểm toán.

    - Tiết lộ thông tin về tình hình và kết quả kiểm toán chưa được công bố chính thức.

    Đồng thời, nghiêm cấm các hành vi sau đây đối với đơn vị được kiểm toán và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán:

    - Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho cuộc kiểm toán theo yêu cầu của Kiểm toán nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước;

    - Cản trở công việc của Kiểm toán nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước;

    - Báo cáo sai lệch, không trung thực, không đầy đủ, kịp thời hoặc thiếu khách quan thông tin liên quan đến cuộc kiểm toán của Kiểm toán nhà nước;

    - Mua chuộc, đưa hối lộ cho Kiểm toán viên nhà nước và cộng tác viên Kiểm toán nhà nước;

    - Che giấu các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công.

    Nghiêm cấm mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước, cộng tác viên Kiểm toán nhà nước.

    Kiểm toán viên muốn hành nghề dịch vụ kế toán cần đáp ứng các đều kiện gì?

    Căn cứ quy định Điều 58 Luật Kế toán 2015 quy định về đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán như sau:

    Đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán

    1. Người có chứng chỉ kế toán viên hoặc chứng chỉ kiểm toán viên theo quy định của Luật kiểm toán độc lập được đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán qua doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc hộ kinh doanh dịch vụ kế toán khi có đủ các điều kiện sau đây:

    a) Có năng lực hành vi dân sự;

    b) Có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán từ 36 tháng trở lên kể từ thời điểm tốt nghiệp đại học;

    c) Tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức theo quy định.

    ....

    Như vậy, theo quy định thì kiểm toán viên nếu có chứng chỉ kiểm toán viên theo quy định thì có thể đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán qua doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc hộ kinh doanh dịch vụ kế toán.

    Tuy nhiên kiểm toán viên cần đáp ứng các điều kiện sau đây:

    - Có năng lực hành vi dân sự;

    - Có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán từ 36 tháng trở lên kể từ thời điểm tốt nghiệp đại học;

    - Tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức theo quy định.

    9