Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là khu vực nào? Nằm ở đâu?
Nội dung chính
Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận nằm ở đâu? Việt Nam có bao nhiêu Khu dự trữ sinh quyển thế giới?
Năm 2000, Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam đầu tiên được UNESCO công nhận, ghi dấu mốc Việt Nam tham gia mạng lưới khu dự trữ sinh quyển thế giới và nền tảng phát triển khu dự trữ sinh quyển với diện tích hơn 75.000 ha.
Cụ thể, rừng ngập mặn Cần Giờ được tổ chức UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển ở Việt Nam đầu tiên. Rừng ngập mặn Cần Giờ có tổng diện tích hơn 75.000 ha, thuộc vùng châu thổ rộng lớn của các sông Đồng Nai, Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây. Hơn 20 năm khu rừng giữ vai trò lá phổi xanh của Sài Gòn, nơi sinh sống của hàng trăm loài động, thực vật trên cạn và thủy sinh.
Đến nay Việt Nam có tổng số 11 khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận, trở thành quốc gia có số lượng khu Dự trữ sinh quyển lớn thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, gồm:
- Khu dự trữ Sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ (2000);
- Khu dự trữ Sinh quyển Đồng Nai (2011);
- Khu dự trữ Sinh quyển Cát Bà (2004);
- Khu dự trữ Sinh quyển châu thổ sông Hồng (2004);
- Khu dự trữ Sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang (2006);
- Khu dự trữ Sinh quyển miền tây Nghệ An (2007);
- Khu dự trữ Sinh quyển Mũi Cà Mau (2009);
- Khu dự trữ Sinh quyển Cù Lao Chàm (2009);
- Khu dự trữ Sinh quyển Langbian (2015);
- Khu dự trữ Sinh quyển Núi Chúa (2021);
- Khu dự trữ Sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng (2021)
Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là khu vực nào? Nằm ở đâu? (Ảnh từ Internet)
Khu dữ trữ sinh quyển là gì?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 19 Nghị định 08/2022/NĐ-CP thì có thể định nghĩa khu dự trữ sinh quyển là khu vực đáp ứng tiêu chí có giá trị đa dạng sinh học đặc biệt cần bảo tồn theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường 2020 và được quy định chi tiết như sau:
- Khu vực tập hợp các hệ sinh thái có tính đại diện cho một vùng địa lý sinh vật;
- Có ranh giới rõ ràng để thực hiện phân vùng quản lý theo quy định và bảo đảm triển khai các hoạt động, xây dựng, thí điểm mô hình kết hợp giữa bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng dịch vụ hệ sinh thái, phát triển kinh tế xã hội bền vững, hỗ trợ thúc đẩy nghiên cứu khoa học - công nghệ, tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Có được thực hiện hoạt động lấn biển mà có phần diện tích thuộc khu dự trữ thiên nhiên không?
Căn cứ khoản 3 Điều 190 Luật Đất đai 2024 quy định:
Hoạt động lấn biển
...
3. Hoạt động lấn biển mà có phần diện tích thuộc một trong các khu vực sau đây thì chỉ được thực hiện khi được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư:
a) Khu vực bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được công nhận theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa;
b) Di sản thiên nhiên theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
c) Vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan, vùng đất ngập nước quan trọng đã được công bố theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, pháp luật về lâm nghiệp;
d) Khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá theo quy định của pháp luật về thủy sản;
đ) Khu vực cảng biển, vùng nước trước cầu cảng, vùng quay trở tàu, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão, vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch, luồng hàng hải, vùng nước để xây công trình phụ trợ khác theo quy định của pháp luật về hàng hải;
e) Cửa sông và các khu vực đã được quy hoạch, sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh.
...
Theo đó, hoạt động lấn biển mà có phần diện tích thuộc khu dự trữ thiên nhiên thì chỉ được thực hiện khi được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư.
Đất có di sản thiên nhiên thuộc nhóm đất nào?
Theo khoản 3 Điều 9 Luật Đất đai 2024 quy định:
Phân loại đất
...
3. Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
a) Đất ở, gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;
b) Đất xây dựng trụ sở cơ quan;
c) Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh (sau đây gọi là đất quốc phòng, an ninh);
d) Đất xây dựng công trình sự nghiệp, gồm: đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục, thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường, khí tượng thủy văn, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác hoặc đất xây dựng trụ sở của đơn vị sự nghiệp công lập khác;
đ) Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, gồm: đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản;
e) Đất sử dụng vào mục đích công cộng, gồm: đất công trình giao thông; đất công trình thủy lợi; đất công trình cấp nước, thoát nước; đất công trình phòng, chống thiên tai; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên; đất công trình xử lý chất thải; đất công trình năng lượng, chiếu sáng công cộng; đất công trình hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin; đất chợ dân sinh, chợ đầu mối; đất khu vui chơi, giải trí công cộng, sinh hoạt cộng đồng;
g) Đất sử dụng cho hoạt động tôn giáo (sau đây gọi là đất tôn giáo); đất sử dụng cho hoạt động tín ngưỡng (sau đây gọi là đất tín ngưỡng);
h) Đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; đất cơ sở lưu giữ tro cốt;
i) Đất có mặt nước chuyên dùng;
k) Đất phi nông nghiệp khác.
...
Như vậy, đất có di sản thiên nhiên là đất sử dụng vào mục đích công cộng, thuộc nhóm đất phi nông nghiệp.