Khi thay đổi địa điểm kinh doanh thì hộ kinh doanh phải gửi hồ sơ thông báo đến cơ quan nào?
Nội dung chính
Hộ kinh doanh phải gửi hồ sơ thông báo thay đổi địa điểm kinh doanh đến cơ quan nào?
Tại Khoản 4 Điều 90 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh như sau:
Đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh
...
4. Trường hợp hộ kinh doanh chuyển địa chỉ trụ sở sang quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nơi hộ kinh doanh đã đăng ký, hộ kinh doanh gửi hồ sơ thông báo thay đổi địa chỉ đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi dự định đặt trụ sở mới. Hồ sơ phải có bản sao các giấy tờ sau đây:
a) Thông báo thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh do chủ hộ kinh doanh ký;
b) Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc đăng ký thay đổi địa chỉ trụ sở đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
c) Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
Theo đó, trường hợp bạn muốn thay đổi địa điểm kinh doanh thì bạn phải nộp hồ sơ thông báo thay đổi địa chỉ đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh của bạn dự định đặt trụ sở mới.
Khi thay đổi địa điểm kinh doanh thì hộ kinh doanh phải gửi hồ sơ thông báo đến cơ quan nào? (Hình từ internet)
Hộ kinh doanh không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh khi chuyển địa điểm kinh doanh bị phạt bao nhiêu tiền?
Tại Điều 63 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm về chế độ thông tin báo cáo của hộ kinh doanh như sau:
Vi phạm về chế độ thông tin báo cáo của hộ kinh doanh
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không báo cáo tình hình kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện;
b) Thay đổi chủ hộ kinh doanh nhưng không gửi hồ sơ thông báo thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký;
c) Tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo nhưng không gửi thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký;
d) Chuyển địa điểm kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện;
đ) Chấm dứt hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không thông báo hoặc không nộp lại bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện;
e) Thay đổi ngành, nghề kinh doanh nhưng không gửi thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở chính;
g) Hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng không thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh, cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường.
Trường hợp có vi phạm pháp luật về thuế thì xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc báo cáo tình hình kinh doanh theo yêu cầu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Buộc thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e và điểm g khoản 1 Điều này.
Bên cạnh đó tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:
Mức phạt tiền
...
2. Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ mức phạt quy định tại điểm c khoản 2 Điều 28; điểm a và điểm b khoản 2 Điều 38; Điều 62 và Điều 63 Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với cá nhân). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 (một phần hai) mức phạt tiền đối với tổ chức.
Theo đó, trường hợp hộ kinh doanh chuyển địa điểm kinh doanh mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh thì hộ kinh doanh có thể bị phạt tiền từ 2.500.000 đồng đến 5.000.000 đồng, đồng thời buộc phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện theo đúng quy định.
Quy định của pháp luật về đăng ký hộ kinh doanh như thế nào?
Tại Điều 87 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về đăng ký hộ kinh doanh như sau:
Đăng ký hộ kinh doanh
1. Đăng ký hộ kinh doanh được thực hiện tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh.
2. Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh bao gồm:
a) Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh;
b) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
c) Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
d) Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
3. Khi tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ hoặc người thành lập hộ kinh doanh biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ (nếu có).
4. Nếu sau 03 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thì người thành lập hộ kinh doanh hoặc hộ kinh doanh có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
5. Định kỳ vào tuần làm việc đầu tiên hàng tháng, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện gửi danh sách hộ kinh doanh đã đăng ký tháng trước cho Cơ quan thuế cùng cấp, Phòng Đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý chuyên ngành cấp tỉnh.
Trên đây là quy định của pháp luật về đăng ký hộ kinh doanh.