Khi lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia, việc điều tra, thu thập thông tin, tài liệu được quy định thế nào?
Nội dung chính
Nội dung kế hoạch sử dụng đất quốc gia gồm những gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 15 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định về kế hoạch sử dụng đất quốc gia gồm các nội dung sau:
(1) Phân tích, đánh giá hiện trạng sử dụng đất, biến động sử dụng đất 05 năm trước, kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất quốc gia kỳ trước;
(2) Xác định quan điểm, mục tiêu sử dụng đất đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ kế hoạch;
(3) Xác định các chỉ tiêu sử dụng đất trong thời kỳ kế hoạch sử dụng đất 05 năm của cả nước đối với đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất quốc phòng, đất an ninh;
(4) Đánh giá tác động của kế hoạch sử dụng đất đến kinh tế, xã hội, môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh;
(5) Giải pháp, nguồn lực thực hiện kế hoạch sử dụng đất gồm: giải pháp bảo vệ, cải tạo đất, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; xác định các nguồn lực thực hiện kế hoạch sử dụng đất; giải pháp tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện kế hoạch sử dụng đất;
(6) Xây dựng báo cáo kế hoạch sử dụng đất gồm báo cáo tổng hợp, hệ thống cơ sở dữ liệu kế hoạch sử dụng đất quốc gia.
Quy định về điều tra, thu thập thông tin, tài liệu khi lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia thế nào?
Căn cứ Điều 7 Thông tư 29/2024/TT-BTNMT quy định hoạt động điều tra, thu thập thông tin, tài liệu khi lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia như sau:
- Điều tra, thu thập các thông tin, tài liệu liên quan đến lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia, gồm: chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; quy hoạch tổng thể quốc gia; chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực; điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội; hiện trạng sử dụng đất, biến động đất đai, chất lượng đất, tiềm năng đất đai và kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc gia kỳ trước; nhu cầu, khả năng sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương; tiến bộ khoa học và công nghệ có liên quan đến việc sử dụng đất.
- Tổng hợp, phân loại và đánh giá các thông tin, tài liệu điều tra, thu thập, gồm:
+ Sắp xếp, phân loại theo chuyên mục, nguồn thông tin;
+ Phân tích, đánh giá tính chính xác, khách quan để lựa chọn thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ sử dụng trong lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
- Điều tra, khảo sát thực địa, gồm:
+ Xác định những nội dung cần điều tra, khảo sát thực địa; xây dựng kế hoạch điều tra, khảo sát thực địa;
+ Điều tra, khảo sát thực địa, gồm: các nội dung chính tác động đến quy hoạch sử dụng đất quốc gia (các khu vực dự kiến phát triển công trình hạ tầng chiến lược quốc gia, hệ thống đô thị, khu công nghiệp, khu vực chuyên canh lúa chất lượng cao và các yếu tố khác có liên quan); các thông tin phục vụ khoanh vùng định hướng không gian sử dụng đất, dự báo xu thế chuyển dịch đất đai và các nội dung khác liên quan (nếu có);
+ Chỉnh lý bổ sung thông tin, tài liệu trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát thực địa.
- Tổng hợp và xây dựng báo cáo chuyên đề kết quả điều tra, thu thập các thông tin, tài liệu.
Hướng dẫn thu thập thông tin khi lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia (Hình từ internet)
Việc lập quy hoạch sử dụng đất các cấp được thực hiện theo nguyên tắc nào?
Theo Điều 60 Luật Đất đai 2024 việc lập, quyết định, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất các cấp được quy định như sau:
- Việc lập quy hoạch sử dụng đất các cấp phải tuân thủ nguyên tắc và mối quan hệ giữa các loại quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.
Quy hoạch sử dụng đất các cấp phải tổng hợp, cân đối nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực có sử dụng đất.
- Quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải bảo đảm tính đặc thù, liên kết vùng; bảo đảm sự cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương và phù hợp với tiềm năng đất đai của quốc gia nhằm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
- Quy hoạch sử dụng đất được lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện phải đáp ứng yêu cầu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh.
- Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ; quy hoạch sử dụng đất của cấp trên bảo đảm nhu cầu sử dụng đất của cấp dưới; quy hoạch sử dụng đất của cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của cấp trên; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải xác định được nội dung sử dụng đất đến cấp xã; kế hoạch sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cùng cấp đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.
- Nội dung quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu sử dụng đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên.
- Sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả; khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, độ che phủ rừng; bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
- Bảo đảm tính liên tục, kế thừa, ổn định, đặc thù, liên kết của các vùng kinh tế - xã hội; cân đối hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương, giữa các thế hệ; phù hợp với điều kiện, tiềm năng đất đai.
- Việc lập quy hoạch sử dụng đất các cấp phải bảo đảm sự tham gia của tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng, cá nhân; bảo đảm công khai, minh bạch.
- Quy hoạch sử dụng đất các cấp được lập đồng thời; quy hoạch sử dụng đất cấp cao hơn phải được quyết định, phê duyệt trước quy hoạch sử dụng đất cấp thấp hơn. Khi kết thúc thời kỳ quy hoạch sử dụng đất mà quy hoạch sử dụng đất thời kỳ tiếp theo chưa được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt thì các chỉ tiêu sử dụng đất chưa thực hiện hết được tiếp tục thực hiện đến khi quy hoạch sử dụng đất thời kỳ tiếp theo được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.
Như vậy, nguyên tắc lập quy hoạch sử dụng đất các cấp được thực hiện theo nội dung trên.