Khẩn trương rà soát, báo cáo đầy đủ dự án đầu tư có khó khăn, tồn đọng kéo dài theo Công điện 13 2025
Nội dung chính
Khẩn trương rà soát, báo cáo đầy đủ dự án đầu tư có khó khăn, tồn đọng kéo dài theo Công điện 13 2025
Ngày 08/02/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 13/CĐ-TTg năm 2025 về khẩn trương rà soát, báo cáo đầy đủ dự án đầu tư có khó khăn, vướng mắc, tồn đọng kéo dài để kịp thời tháo gỡ, triển khai ngay dự án do Thủ tướng Chính phủ điện.
Công điện 13/CĐ-TTg năm 2025 có hiệu lực kể từ ngày ban hành tức ngày 08/02/2025.
Căn cứ theo Công điện 13/CĐ-TTg năm 2025 cụ thể về việc khẩn trương rà soát, báo cáo đầy đủ dự án đầu tư có khó khăn, tồn đọng kéo dài như sau:
Để sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư trên cả nước, không để phải kiểm điểm hành chính, gây lãng phí nguồn lực, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
(1) Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát kỹ, tổng hợp đầy đủ các dự án có khó khăn vướng mắc, tồn đọng trong thời gian dài theo các biểu mẫu, nội dung đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản 10339/BKHĐT-TTr ngày 16 tháng 12 năm 2024, gửi Thủ tướng chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư chậm nhất trước ngày 15 tháng 02 năm 2025; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tính đầy đủ, chính xác của các thông tin, nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất.
(2) Sau ngày 15 tháng 2 năm 2025, các bộ, cơ quan, địa phương chưa gửi báo cáo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án về Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ sẽ giao Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra để xem xét trách nhiệm, xử lý nghiêm theo quy định của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực Trung ương.
(3) Giao Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chỉ đạo các bộ, cơ quan và địa phương thực hiện các nhiệm vụ được giao, xử lý giải quyết các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nhiệm vụ được giao tại Công điện 13/CĐ-TTg năm 2025.
Khẩn trương rà soát, báo cáo đầy đủ dự án đầu tư có khó khăn, tồn đọng kéo dài theo Công điện 13 2025 (Hình từ Internet)
Đàm phán, hoàn thiện hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh như thế nào?
Căn cứ theo Điều 29 Nghị định 23/2024/NĐ-CP quy định việc đàm phán, hoàn thiện hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh cụ thể như sau:
(1) Căn cứ kết quả lựa chọn nhà đầu tư, nhà đầu tư xếp thứ nhất được mời đàm phán, hoàn thiện hợp đồng. Trường hợp nhà đầu tư được mời đàm phán, hoàn thiện hợp đồng nhưng không tham dự hoặc từ chối đàm phán, hoàn thiện hợp đồng thì sẽ không được nhận lại bảo đảm dự thầu.
(2) Việc đàm phán, hoàn thiện hợp đồng được thực hiện trên cơ sở:
- Báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu;
- Hồ sơ dự thầu và các tài liệu làm rõ, sửa đổi hồ sơ dự thầu (nếu có) của nhà đầu tư;
- Hồ sơ mời thầu.
(3) Nguyên tắc đàm phán, hoàn thiện hợp đồng:
- Không tiến hành đàm phán, hoàn thiện hợp đồng đối với các nội dung mà nhà đầu tư đã chào thầu theo đúng yêu cầu của hồ sơ mời thầu;
- Không được làm thay đổi nội dung cơ bản của hồ sơ dự thầu.
(4) Nội dung đàm phán, hoàn thiện hợp đồng:
- Đàm phán, hoàn thiện những nội dung được đề xuất trong hồ sơ dự thầu nhưng chưa đủ chi tiết, chưa rõ hoặc còn khác nhau; nội dung chưa phù hợp, thống nhất giữa hồ sơ mời thầu và hồ sơ dự thầu có thể dẫn đến tranh chấp hoặc ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng;
- Đàm phán về các vấn đề phát sinh trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư (nếu có) nhằm hoàn thiện các nội dung chi tiết của hợp đồng;
- Đàm phán về các nội dung khác liên quan đến dự án để có cơ sở xác lập các quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm trong hợp đồng;
- Các nội dung cần thiết khác.
(5) Nhà đầu tư không được thay đổi, rút hoặc từ chối thực hiện các nội dung cơ bản đề xuất trong hồ sơ dự thầu đã được bên mời thầu đánh giá đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu, trừ trường hợp các thay đổi do nhà đầu tư đề xuất mang lại hiệu quả cao hơn cho dự án.
(6) Trường hợp đàm phán, hoàn thiện hợp đồng không thành công, bên mời thầu báo cáo người có thẩm quyền xem xét, quyết định hủy kết quả lựa chọn nhà đầu tư và mời nhà đầu tư xếp hạng tiếp theo đàm phán, hoàn thiện hợp đồng.
- Trường hợp đàm phán, hoàn thiện hợp đồng với các nhà đầu tư tiếp theo thành công, bên mời thầu trình, thẩm định, phê duyệt, công khai kết quả lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại Điều 27 và Điều 28 Nghị định 23/2024/NĐ-CP.
- Trường hợp đàm phán, hoàn thiện hợp đồng với các nhà đầu tư tiếp theo không thành công, bên mời thầu báo cáo người có thẩm quyền xem xét, quyết định hủy thầu theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 17 Luật Đấu thầu 2023.