Huế chính thức là thành phố trực thuộc Trung ương từ năm 2025
Nội dung chính
Huế chính thức là thành phố trực thuộc Trung ương từ 01/01/2025
Vào ngày 30/11/2024, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết 175/2024/QH15 về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương. Nghị quyết 175/2024/QH15 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.
Theo đó, thành phố Huế trực thuộc trung ương sẽ chính thức được thành lập kể từ ngày 01/01/2025 dựa trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 4.947,11 km2 và quy mô dân số là 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Thành phố Huế trực thuộc trung ương giáp thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Trị; nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào và Biển Đông.
Do đó, kể từ ngày 01/01/2025 Việt Nam sẽ có 06 thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Đà Nẵng, Thành phố Cần Thơ, Thành phố Hải Phòng và Thành phố Huế
Như vậy, Thừa Thiên Huế chính thức trở thành thành phố trực thuộc trung ương từ ngày 01/01/2025 theo Nghị quyết 175/2024/QH15.
Huế chính thức là thành phố trực thuộc Trung ương từ năm 2025 (hình từ internet)
Các nhiệm vụ trọng tâm và các đột phá phát triển đối với quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thế nào?
Căn cứ theo tiểu mục 4 Phần II Điều 1 Quyết định 1745/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm và các đột phá phát triển như sau:
(1) Các nhiệm vụ trọng tâm
- Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; trung tâm của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung và cả nước về văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ.
- Xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thông minh, đặc biệt là kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông, hạ tầng số đảm bảo sự hài hòa giữa kiến trúc với thiên nhiên và đặc thù của Huế.
- Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế: Hành lang kinh tế Bắc - Nam, Hành lang kinh tế Đông - Tây, Hành lang kinh tế đô thị hướng biển; các trung tâm động lực: thành phố Huế, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và khu công nghiệp Phong Điền.
- Khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, môi trường; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Gắn phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
(2) Các khâu đột phá phát triển
- Phát triển hệ thống đô thị di sản kết hợp đô thị hiện đại, thông minh trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản; phát huy lợi thế đô thị ven biển gắn với vị thế 04 trung tâm của vùng và cả nước với quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao về kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; trọng tâm ưu tiên phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, hạ tầng giao thông chiến lược, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng đô thị. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
- Phát triển bền vững kinh tế biển, đầm phá; xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, là cực tăng trưởng, động lực phát triển của vùng động lực miền Trung và cả nước với hệ thống cảng biển nước sâu Chân Mây đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển chuỗi khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị biển - đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đặc sắc của khu vực.
- Phát huy vai trò động lực quan trọng của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của vùng; đẩy nhanh tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp sản xuất điện từ nguồn năng lượng xanh (LNG, năng lượng tái tạo,...); ưu tiên thu hút các dự án lớn sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, có khả năng dẫn dắt, hình thành hệ sinh thái các ngành kinh tế trọng điểm.
- Đổi mới, nâng cao hiệu quả trong bảo tồn di sản Cố đô Huế, chuyển hóa hữu hiệu tài nguyên văn hóa, lịch sử, thiên nhiên thành động lực tăng trưởng, phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng hệ sinh thái dân sinh, văn hóa, lịch sử và tự nhiên hấp dẫn; bồi đắp, phát huy giá trị con người xứ Huế làm nền tảng và nguồn lực phát triển bền vững.
Cách tính điểm phân loại đơn vị hành chính thành phố trực thuộc trung ương như thế nào?
Căn cứ theo Điều 15 Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 được sửa đổi bởi khoản 18 Điều 1 Nghị quyết 27/2022/UBTVQH15, thì tiêu chuẩn phân loại và cách tính điểm phân loại đơn vị hành chính thành phố trực thuộc trung ương như sau:
(1) Quy mô dân số từ 1.000.000 người trở xuống được tính 20 điểm; trên 1.000.000 người thì cứ thêm 30.000 người được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 30 điểm.
(2) Diện tích tự nhiên từ 1.000 km2 trở xuống được tính 20 điểm; trên 1.000 km2 thì cứ thêm 50 km2 được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 25 điểm.
(3) Số đơn vị hành chính trực thuộc:
- Có từ 10 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc trở xuống được tính 2 điểm; trên 10 đơn vị hành chính cấp huyện thì cứ thêm 01 đơn vị hành chính được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 6 điểm.
- Có tỷ lệ số quận trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện từ 40% trở xuống được tính 1 điểm; trên 40% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 4 điểm.
(4) Trình độ phát triển kinh tế - xã hội:
- Có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương từ 20% trở xuống được tính 10 điểm; trên 20% thì cứ thêm 1% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 15 điểm.
- Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế từ 70% trở xuống được tính 1 điểm; trên 70% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 2 điểm.
- Thu nhập bình quân đầu người từ mức bình quân chung cả nước trở xuống được tính 1 điểm; trên mức bình quân chung cả nước thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 2 điểm.
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế từ mức bình quân chung cả nước trở xuống được tính 1 điểm; trên mức bình quân chung cả nước thì cứ thêm 0,5% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 2 điểm.
- Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp từ 65% trở xuống được tính 1 điểm; trên 65% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 2 điểm.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ mức bình quân chung cả nước trở xuống được tính 1 điểm; trên mức bình quân chung cả nước thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 2 điểm.
- Tỷ lệ giường bệnh trên một vạn dân từ mức bình quân chung cả nước trở xuống được tính 0,5 điểm; trên mức bình quân chung cả nước thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 1,5 điểm.
- Tỷ lệ bác sỹ trên một vạn dân từ mức bình quân chung cả nước trở xuống được tính 0,5 điểm; trên mức bình quân chung cả nước thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 1,5 điểm.
- Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều từ mức bình quân chung cả nước trở lên được tính 1 điểm; dưới mức bình quân chung cả nước thì cứ giảm 0,5% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 2 điểm.
(5) Yếu tố đặc thù: dân số tạm trú quy đổi từ 10% đến 20% so với dân số thường trú được tính 1 điểm; trên 20% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 5 điểm.