Hồ sơ thiết kế kiến trúc có phải là thành phần của hồ sơ thiết kế xây dựng?
Nội dung chính
Hồ sơ thiết kế kiến trúc có phải là thành phần của hồ sơ thiết kế xây dựng?
Căn cứ khoản 1 Điều 2 Thông tư 03/2020/TT-BXD quy định:
Quy định chung về hồ sơ thiết kế kiến trúc
1. Hồ sơ thiết kế kiến trúc là thành phần của hồ sơ thiết kế xây dựng được thực hiện thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật xây dựng.
2. Hồ sơ thiết kế kiến trúc bao gồm các loại sau:
a) Hồ sơ thiết kế kiến trúc sơ bộ là nội dung kiến trúc trong thiết kế sơ bộ ở giai đoạn báo cáo nghiên cứu tiền khả thi;
b) Hồ sơ thiết kế kiến trúc cơ sở là nội dung kiến trúc trong thiết kế cơ sở ở giai đoạn báo cáo nghiên cứu khả thi;
c) Thiết kế kiến trúc kỹ thuật là nội dung kiến trúc trong thiết kế kỹ thuật ở giai đoạn sau thiết kế cơ sở;
d) Thiết kế kiến trúc bản vẽ thi công là nội dung kiến trúc trong thiết kế bản vẽ thi công ở giai đoạn sau thiết kế cơ sở;
đ) Các hồ sơ thiết kế kiến trúc ở các bước thiết kế khác (nếu có) theo thông lệ quốc tế, tương ứng với các bước thiết kế xây dựng do người quyết định đầu tư quyết định khi quyết định đầu tư dự án.
...
Như vậy, hồ sơ thiết kế kiến trúc là thành phần của hồ sơ thiết kế xây dựng được thực hiện thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật xây dựng 2014.
Hồ sơ thiết kế kiến trúc có phải là thành phần của hồ sơ thiết kế xây dựng? (Ảnh từ Internet)
Khi điều chỉnh thiết kế kiến trúc có phải lập hồ sơ?
Căn cứ điểm a khoản 5 Điều 2 Thông tư 03/2020/TT-BXD quy định:
Quy định chung về hồ sơ thiết kế kiến trúc
...
4. Hồ sơ thiết kế kiến trúc trong đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, thiết kế đô thị được thực hiện theo Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị.
5. Khi điều chỉnh thiết kế kiến trúc phải lập hồ sơ thiết kế kiến trúc điều chỉnh gồm các bản vẽ được điều chỉnh đảm bảo các yêu cầu sau:
a) Nêu rõ nội dung, thời gian, lần điều chỉnh, có sự thống nhất của chủ nhiệm thiết kế và chủ đầu tư;
b) Tổ chức thiết kế và chủ đầu tư phải ký xác nhận và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung sửa đổi trong khung tên bản vẽ.
Như vậy, khi điều chỉnh thiết kế kiến trúc phải lập hồ sơ thiết kế kiến trúc điều chỉnh gồm các bản vẽ được điều chỉnh đảm bảo các yêu cầu sau:
- Nêu rõ nội dung, thời gian, lần điều chỉnh, có sự thống nhất của chủ nhiệm thiết kế và chủ đầu tư;
- Tổ chức thiết kế và chủ đầu tư phải ký xác nhận và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung sửa đổi trong khung tên bản vẽ.
Quy cách hồ sơ thiết kế kiến trúc quy định ra sao?
Căn cứ Điều 3 Thông tư 03/2020/TT-BXD quy định:
Quy cách hồ sơ thiết kế kiến trúc
1. Hồ sơ thiết kế kiến trúc bao gồm các thành phần bản vẽ và thuyết minh.
2. Hồ sơ thiết kế kiến trúc phải đảm bảo các yêu cầu sau:
a) Quy cách, tỷ lệ bản vẽ theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5671:2012 về hệ thống tài liệu thiết kế xây dựng - hồ sơ thiết kế kiến trúc;
b) Khung tên bản vẽ phải tuân thủ Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5571:2012 về hệ thống tài liệu thiết kế xây dựng - bản vẽ xây dựng - khung tên.
3. Cá nhân chịu trách nhiệm về chuyên môn kiến trúc của tổ chức, người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền phải ký, đóng dấu của nhà thầu thiết kế theo quy định.
4. Chủ nhiệm thiết kế được ghi tên trong hồ sơ thiết kế phải đảm bảo:
a) Trực tiếp tổ chức thực hiện nhiệm vụ thiết kế, có chuyên môn và chịu trách nhiệm cao nhất về nội dung và chất lượng của thiết kế kiến trúc, kiểm soát các bộ môn để phối hợp, thống nhất với kiến trúc;
b) Chủ nhiệm thiết kế có thể là tác giả phương án kiến trúc hoặc người trực tiếp tổ chức thực hiện ý tưởng của tác giả.
5. Chủ trì thiết kế kiến trúc được ghi tên trong hồ sơ thiết kế phải đảm bảo:
a) Phải đủ năng lực được giao chủ trì thiết kế kiến trúc công trình hoặc chủ trì thẩm tra thiết kế kiến trúc, chịu trách nhiệm về nội dung của thiết kế kiến trúc;
b) Chủ trì có thể thay thế vai trò chủ nhiệm nếu được chủ nhiệm ủy quyền.
Như vậy, quy cách hồ sơ thiết kế kiến trúc được quy định cụ thể như trên
Hồ sơ thiết kế kiến trúc sơ bộ quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 4 Thông tư 03/2020/TT-BXD quy định:
Hồ sơ thiết kế kiến trúc sơ bộ
1. Bản vẽ gồm:
a) Sơ đồ vị trí, địa điểm khu đất xây dựng, số liệu quy mô, tính chất dự án, hiện trạng, ranh giới khu đất, thông tin quy hoạch, hướng, tuyến công trình hạ tầng kỹ thuật hiện hữu và theo quy hoạch được phê duyệt (nếu có), công trình hiện hữu và kiến trúc cảnh quan xung quanh, phân tích mối liên kết giao thông;
b) Các bản vẽ thiết kế ý tưởng kiến trúc thể hiện: dây chuyền công năng, hình khối, đường nét, màu sắc, ánh sáng trên các bản vẽ tổng thể, phối cảnh, mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt, nội ngoại thất, mối liên hệ với không gian kiến trúc cảnh quan chung của khu vực.
2. Thuyết minh gồm:
a) Thuyết minh các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Các định hướng về giải pháp kết cấu, hệ thống trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật và quản lý vận hành, khai thác;
c) Danh mục các quy chuẩn và tiêu chuẩn áp dụng;
d) Phụ lục các văn bản pháp luật liên quan đến tính pháp lý của việc lập hồ sơ thiết kế kiến trúc sơ bộ.
Như vậy, hồ sơ thiết kế kiến trúc sơ bộ được quy định như trên.