Hồ sơ chuẩn bị đấu giá quyền sử dụng đất gồm những gì? Trúng đấu giá rồi bỏ cọc sẽ bị xử lý như thế nào?
Nội dung chính
Hồ sơ chuẩn bị đấu giá quyền sử dụng đất gồm những gì?
Căn cứ Điều 7 Thông tư liên tịch 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP tổ chức đấu giá chuẩn bị hồ sơ đấu giá QSDĐ như sau:
- Căn cứ phương án đấu giá quyền sử dụng đất đã được phê duyệt, đơn vị được giao tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ của các thửa đất đấu giá, gửi đến cơ quan tài nguyên và môi trường để thẩm định trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định đấu giá quyền sử dụng đất.
- Hồ sơ thửa đất đấu giá bao gồm:
+ Tờ trình và dự thảo quyết định đấu giá quyền sử dụng đất;
+ Giấy tờ liên quan đến hiện trạng quản lý, sử dụng thửa đất đấu giá và hạ tầng kỹ thuật, tài sản gắn liền với thửa đất đấu giá (nếu có) của cơ quan có thẩm quyền;
+ Thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng chi tiết liên quan đến thửa đất đấu giá đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
+ Trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất đấu giá trong trường hợp chưa có bản đồ địa chính;
+ Tên, địa chỉ của đơn vị tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng thửa đất.
Trúng đấu giá rồi bỏ cọc sẽ bị xử lý như thế nào? (Hình từ internet)
Trúng đấu giá rồi bỏ cọc sẽ bị xử lý như thế nào?
Căn cứ theo Điều 70 Luật Đấu giá tài sản 2016 được sửa đổi bởi khoản 41 Điều 1 Luật Đấu giá tài sản sửa đổi 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 thì theo đó, với trường hợp giao, cho thuê đất để thực hiện dự án, người trúng đấu giá nhưng bỏ cọc khiến kết quả bị hủy, sẽ không được tham gia đấu giá trong 6 tháng đến 5 năm.
Trường hợp cá nhân trúng đấu giá nhưng bỏ cọc theo đó được quy định tại pháp luật về đất đai hiện hành. Cụ thể, theo điểm c khoản 9 Điều 55 Nghị định 102/2024/NĐ-CP, người trúng đấu giá không nộp đủ tiền trong 120 ngày sẽ bị hủy kết quả và mất tiền cọc. Nếu người trúng nộp tiền đặt trước nhiều hơn khoản cọc, họ sẽ được Nhà nước hoàn trả khoản chênh lệch.
Có thể thấy, Luật Đấu giá tài sản sửa đổi đã siết quy định với người trúng đấu giá quyền sử dụng đất so với trước đây. Cụ thể, các cá nhân tham gia hoặc trúng đấu giá sẽ bị xử lý kỷ luật, bị phạt hành chính, và thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có hành vi thông đồng hoặc móc nối với đấu giá viên, đơn vị tổ chức đấu giá... nhằm dìm giá, nâng giá, hoặc làm sai lệch kết quả đấu giá.
Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất có phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất không?
Căn cứ theo Điều 13 Thông tư liên tịch 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP thì người trúng đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất sau khi có quyết định công nhận kết quả trúng đấu như sau:
- Trong thời gian không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền, cơ quan thuế sẽ gửi thông báo bằng văn bản yêu cầu nộp tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất đến người đã trúng đấu giá.
-Thông báo nộp tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất sẽ bao gồm các thông tin sau:
+ Số tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất cần phải nộp, cùng với phương thức, địa điểm và thời gian nộp tiền theo kết quả trúng đấu giá được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận;
+ Tên, địa chỉ và số tài khoản của Kho bạc nhà nước để thực hiện việc nộp tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất trúng đấu giá;
+ Thời hạn yêu cầu nộp tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất trúng đấu giá;
+ Thời hạn chuyển giao chứng từ đã nộp tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất trúng đấu giá cho cơ quan tài nguyên và môi trường.
- Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất có trách nhiệm nộp tiền sử dụng đất vào Kho bạc nhà nước và chuyển chứng từ đã nộp tiền cho cơ quan tài nguyên và môi trường để thực hiện các thủ tục ký hợp đồng thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định.