Hình thức đầu tư ra ngoài doanh nghiệp như thế nào?

Hình thức đầu tư ra ngoài doanh nghiệp như thế nào? Văn bản pháp luật mới nhất quy định về vấn đề này là gì?

Nội dung chính

    Hình thức đầu tư ra ngoài doanh nghiệp như thế nào?

    Tại Khoản 9 Điều 3 Luật đầu tư năm 2014 có quy định như sau: Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế.

    Tại Điều 28 Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014 có quy định như sau:

    Điều 28. Đầu tư ra ngoài doanh nghiệp

    1. Việc sử dụng vốn, tài sản, quyền sử dụng đất của doanh nghiệp để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp phải tuân thủ theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan; phù hợp với chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm và kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp.

    2. Hình thức đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp:

    a) Góp vốn để thành lập công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn; góp vốn thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh không hình thành pháp nhân mới;

    b) Mua cổ phần tại công ty cổ phần, mua phần vốn góp tại công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh;

    c) Mua toàn bộ doanh nghiệp khác;

    d) Mua công trái, trái phiếu.

    Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 28 Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014 thì góp vốn thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh không hình thành pháp nhân mới là một trong những hình thức đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp. Tuy nhiên không phải cứ là ký hợp đồng góp vốn hợp tác kinh doanh với một đối tác khác thì xem như là hình thức góp vốn ra ngoài doanh nghiệp.

    Theo quy định tại Điều 189 Luật doanh nghiệp 2014 về công ty mẹ, công ty con như sau:

    Điều 189. Công ty mẹ, công ty con

    1. Một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    a) Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó;

    b) Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó;

    c) Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó.

    2. Công ty con không được đầu tư góp vốn, mua cổ phần của công ty mẹ. Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau.

    3. Các công ty con có cùng một công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước không được cùng nhau góp vốn thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật này.

    4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 Điều này.

    Tại Điểm b Khoản 3 Điều 28 Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014 có quy định như sau:

    Điều 28. Đầu tư ra ngoài doanh nghiệp

    3. Các trường hợp không được đầu tư ra ngoài doanh nghiệp:

    b) Góp vốn cùng công ty con để thành lập công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh.

    Tại Khoản 1 Điều 21 Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp có quy định như sau:

    Điều 21. Đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp 

    1.Doanh nghiệp nhà nước được quyền sử dụng tài sản, tiền vốn thuộc quyền quản lý, sử dụng của doanh nghiệp để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp trong đó bao gồm đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo quy định tại Điều 28, Điều 29 Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014.

    Căn cứ theo các quy định trên thì một trong các trường hợp không được đầu tư ra ngoài doanh nghiệp là góp vốn cùng công ty con để thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh, kể cả trường hợp công ty con mà công ty nắm cổ phần không chi phối.

    Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về hình thức đầu tư ra ngoài doanh nghiệp. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật đầu tư năm 2014 để nắm rõ quy định này.

     

    39