Hàng xóm lấn đất, đã xây dựng nhà kiên cố thì có buộc phá dỡ nhà?

Nếu hàng xóm lấn đất và xây dựng nhà kiên cố trái phép, họ sẽ phải phá dỡ nhà và khôi phục lại tình trạng đất ban đầu theo quy định của pháp luật.

Nội dung chính

    Hàng xóm xây nhà lấn đất là hành vi thế nào?

    Theo khoản 31 Điều 3 Luật Đất đai 2024 thì việc lấn đất của hàng xóm được hiểu là hành vi của hàng xóm trong việc tự ý thay đổi mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích sử dụng mà không có sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc không được sự đồng ý của chủ sở hữu hợp pháp của phần đất bị lấn chiếm.

    Hơn nữa, khoản 1 Điều 11 Luật Đất đai 2024 cũng khẳng định rằng hành vi lấn đất là một hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai.

    Do đó, việc lấn đất của hàng xóm không chỉ là hành vi xâm phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của người khác, mà còn vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về quản lý và bảo vệ tài nguyên đất đai, gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội và sự phát triển bền vững của đất đai.

    Hàng xóm lấn đất, đã xây dựng nhà kiên cố thì có buộc phá dỡ nhà?

    Hàng xóm lấn đất, đã xây dựng nhà kiên cố thì có buộc phá dỡ nhà? (Hình từ Internet)

    Hàng xóm lấn đất xây dựng nhà kiên cố thì có buộc phá dỡ nhà?

    Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 118 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi khoản 44 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định phải phá dỡ nhà nếu lấn chiếm đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cá nhân.

    Theo đó trong trường hợp hàng xóm lấn đất, đã xây nhà kiên cố thì phải phá dỡ nhà đó để trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp.

    Căn cứ khoản 1 Điều 235 Luật Đất đai 2024 Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải, hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải thương mại hoặc cơ chế hòa giải khác theo quy định của pháp luật.

    Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 235 Luật Đất đai 2024 quy định trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, các bên tranh chấp phải thực hiện hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

    Theo đó, nếu có tranh chấp về đất đai, như việc hàng xóm lấn đất, các bên tranh chấp cần thực hiện hòa giải tại cơ sở hoặc tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp, theo quy định tại khoản 2 Điều 235 Luật Đất đai 2024. Việc hòa giải này nhằm giúp các bên giải quyết mâu thuẫn một cách hòa bình, giảm thiểu xung đột và tạo điều kiện cho các bên đạt được thỏa thuận trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp.

    Trường hợp hòa giải được thì có thể không phải phá dỡ nhà, điều kiện do các bên thỏa thuận, thống nhất thực hiện.

    Hàng xóm lấn đất ở và xây dựng nhà ở kiên cố bị xử phạt hành chính không?

    Căn cứ khoản 4 Điều 13 Nghị định 123/2024/NĐ-CP hành vi hàng xóm lấn đất ở và xây dựng nhà kiên cố sẽ bị xử phạt:

    - Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với diện tích dưới 0,02 héc ta;

    - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với diện tích từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;

    - Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với diện tích từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

    - Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với diện tích từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

    - Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với diện tích từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

    - Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với diện tích từ 01 héc ta trở lên

    Ngoài ra, hành vi hàng xóm lấn đất xây nhà nhà kiên cố thuộc địa giới hành chính của phường, thị trấn thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt vừa nêu phía trên và mức phạt tối đa không quá 500.000.000 đồng đối với cá nhân, không quá 1.000.000.000 đồng đối với tổ chức.

    Như vậy, việc lấn đất xây dựng nhà kiên cố trái phép là hành vi vi phạm nghiêm trọng và sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt cao, tùy thuộc vào diện tích đất bị lấn. 

    Ngoài việc chịu phạt tiền, người vi phạm còn phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất, bao gồm việc tái lập ranh giới, mốc giới và tháo dỡ công trình xây dựng trái phép, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi lấn đất. Các chế tài này góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chủ đất, duy trì trật tự sử dụng đất và ngăn ngừa các hành vi vi phạm trong tương lai.

    Hàng xóm lấn đất xây dựng nhà kiên cố có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

    Tại Điều 228 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người nào lấn đất đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

    Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

    - Có tổ chức;

    - Phạm tội 02 lần trở lên;

    - Tái phạm nguy hiểm.

    Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

    Từ quy định trên hàng xóm lấn đất xây dựng nhà kiên cố nếu trước đó đã bị phạt hành chính hoặc đã bị kết án về tội này chưa xóa án tích mà còn vi phạm thì phạt 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Thêm vào đó, nếu hành vi lấn đất có tổ chức; phạm tội 2 lần trở lên hoặc tái phạm nguy hiểm thì có thể bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

    Chế tài này đóng vai trò quan trọng trong việc răn đe và ngăn ngừa các hành vi lấn đất, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chủ đất và đảm bảo trật tự xã hội. Việc áp dụng các hình thức xử lý nghiêm khắc như phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù giúp tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật. Đồng thời, chế tài này cũng góp phần vào việc duy trì sự công bằng trong sử dụng đất đai, ngăn ngừa các tranh chấp về quyền sử dụng đất và bảo vệ tài sản của cá nhân, tổ chức.

    16