Giải quyết chế độ cho người lao động làm việc tại trạm thu phí là trách nhiệm của đơn vị nào?

Chuyên viên pháp lý: Nguyễn Xuân An Giang
Tham vấn bởi Luật sư: Phạm Thanh Hữu
Giải quyết chế độ cho người lao động làm việc tại trạm thu phí là trách nhiệm của đơn vị nào? Tác phong người lao động làm việc ở trạm thu phí đường bộ được quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Giải quyết chế độ cho người lao động làm việc tại trạm thu phí là trách nhiệm của đơn vị nào?

    Căn cứ khoản 2 Điều 18 Thông tư 34/2024/TT-BGTVT quy định như sau:

    Điều 18. Trách nhiệm của đơn vị vận hành thu
    1. Thực hiện trách nhiệm của đơn vị vận hành thu theo quy định của pháp luật về thanh toán điện tử giao thông đường bộ, pháp luật về thu phí sử dụng đường cao tốc và các quy định tại Điều này.
    2. Quản lý lao động, giải quyết chế độ cho người lao động làm việc tại trạm thu phí theo quy định của pháp luật.
    3. Sao lưu dữ liệu thu phí đường bộ theo quy định tại khoản 3, khoản 5
    Điều 8 Thông tư này để phục vụ công tác giám sát, hậu kiểm.
    4. Đảm bảo chỉ số KPI hệ thống thu phí điện tử không dừng phải đạt yêu cầu tối thiểu của cơ quan có thẩm quyền theo hợp đồng dịch vụ thu ký với đơn vị quản lý thu.
    5. Đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực trạm thu phí; đảm bảo tuân thủ phương án tổ chức giao thông trên tuyến đường đặt trạm thu phí do cấp có thẩm quyền phê duyệt.
    6. Chấp hành quyết định tạm dừng thu, dừng thu của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Thông tư này.
    [...]

    Như vậy, trách nhiệm quản lý lao động và giải quyết chế độ cho người lao động làm việc tại trạm thu phí thuộc về đơn vị vận hành thu.

    Cụ thể, đơn vị vận hành thu có trách nhiệm:

    - Quản lý nhân sự làm việc tại trạm thu phí;

    - Giải quyết đầy đủ các chế độ cho người lao động theo quy định của pháp luật, bao gồm:

    + Tiền lương, thưởng;

    + Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp;

    + Chế độ nghỉ phép, nghỉ lễ;

    + Các chế độ liên quan khi chấm dứt hợp đồng lao động (trợ cấp thôi việc, bồi thường nếu có…);

    + Các chế độ khác theo Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản liên quan.

    Tác phong của người lao động làm việc tại trạm thu phí đường bộ được quy định như thế nào?

    Căn cứ Điều 6 Thông tư 34/2024/TT-BGTVT quy định như sau:

    Điều 6. Thời gian làm việc, trang phục, phù hiệu
    1. Trạm thu phí hoạt động 24/24 giờ vào tất cả các ngày trong năm, kể cả ngày nghỉ và ngày lễ trừ những trường hợp tạm dừng thu, dừng thu theo quy định tại Điều 22, Điều 23 Thông tư này.
    2. Người lao động làm việc tại trạm thu phí phải mặc đồng phục trong khi thực hiện nhiệm vụ. Mẫu đồng phục của người lao động tại trạm thu phí do đơn vị vận hành thu quyết định nhưng phải đảm bảo có phù hiệu, biểu trưng của đơn vị vận hành thu, biển tên, chức danh được bố trí ở vị trí dễ nhận biết.

    Theo đó, trạm thu phí đường bộ phải duy trì hoạt động liên tục 24/24 giờ trong tất cả các ngày trong năm, đảm bảo không gián đoạn trừ các trường hợp được quy định cụ thể.

    Người lao động tại trạm thu phí phải tuân thủ quy định về đồng phục, đảm bảo nhận diện rõ ràng với phù hiệu, biểu trưng, biển tên và chức danh, góp phần duy trì tính chuyên nghiệp và minh bạch trong hoạt động thu phí.

    Giải quyết chế độ cho người lao động làm việc tại trạm thu phí là trách nhiệm của đơn vị nào?

    Giải quyết chế độ cho người lao động làm việc tại trạm thu phí là trách nhiệm của đơn vị nào? (Hình từ Internret)

    Chế độ ngày nghỉ hằng năm của người lao động được quy định như thế nào?

    Căn cứ Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, ngày nghỉ hằng năm của người lao động được quy định như sau:

    (1) Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

    - 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường.

    - 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

    - 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

    (2) Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.

    (3) Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.

    (4) Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.

    (5) Khi nghỉ hằng năm mà chưa đến kỳ trả lương, người lao động được tạm ứng tiền lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 Bộ luật Lao động 2019.

    (6) Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.

    Ngoài ra, thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động; cách tính ngày nghỉ hằng năm trong một số trường hợp đặc biệt; tiền tàu xe, tiền lương trong thời gian đi đường, tiền lương ngày nghỉ hằng năm và các ngày nghỉ có hưởng lương khác được hướng dẫn chi tiết tại Điều 65, Điều 66 và Điều 67 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

    saved-content
    unsaved-content
    23