Đường Trường Sơn còn có tên gọi khác là gì? Dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025?
Nội dung chính
Đường Trường Sơn còn có tên gọi khác là gì? Các hướng tuyến trong quy hoạch tổng thể đường Trường Sơn?
Đường Trường Sơn là tuyến đường huyết mạch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam, được xây dựng để vận chuyển người, vũ khí, hàng hóa từ miền Bắc vào miền Nam qua các quốc gia Lào và Campuchia.
Hệ thống con đường này được bộ đội ta sử dụng cung cấp binh lực, lương thực và vũ khí, khí tài để chi viện cho chiến trường miền Nam trong 16 năm (1959–1975).
Hệ thống con đường này được ta đặt tên là Đường Trường Sơn, lấy tên của dãy Trường Sơn, dãy núi chạy dọc miền Trung Việt Nam, nơi con đường mòn đi qua. Về sau, con đường có thêm tên gọi Đường mòn Hồ Chí Minh. Tuyến đường này mang tên Hồ Chí Minh, để tưởng nhớ và tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh, người lãnh đạo vĩ đại của cách mạng Việt Nam.
Đường Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất lớn trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, là một trong những tuyến đường chiến lược, góp phần vào việc thắng lợi của cuộc kháng chiến và thống nhất đất nước.
Căn cứ Quyết định số 242/QĐ-TTg năm 2007 Về hướng tuyến trong quy hoạch chi tiết cơ bản thực hiện như hướng tuyến và các điểm khống chế trong phê duyệt Quy hoạch tổng thể đường Hồ Chí Minh với các nội dung chủ yếu như sau:
(1) Phạm vi quy hoạch:
Đường Hồ Chí Minh đi qua địa phận 30 tỉnh, thành phố: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Tây, Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau, có tổng chiều dài khoảng 3.167 km
(2) Hướng tuyến:
- Điểm đầu: tại Pác Bó - tỉnh Cao Bằng.
- Điểm cuối: tại Đất Mũi - tỉnh Cà Mau.
- Các điểm khống chế chủ yếu:
+ Tuyến chính (dài 2.667 km) qua các điểm: Pác Bó, thị xã Cao Bằng, thị xã Bắc Kạn, Chợ Mới, Chợ Chu, đèo Muồng, ngã ba Trung Sơn, ngã ba Phú Thịnh, cầu Bình Ca (sông Lô), Km124+500 QL2, ngã ba Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, cầu Ngọc Tháp (sông Hồng), Cổ Tiết, cầu Trung Hà, thị xã Sơn Tây, Hoà Lạc, Xuân Mai, Chợ Bến, Xóm Kho, Ngọc Lạc, Lâm La, Tân Kỳ, Khe Cò, Tân Ấp, Khe Gát, Bùng, Cam Lộ, cầu Tuần, Khe Tre, đèo Đê Bay, đèo Mũi Trâu, Túy Loan, Hoà Khương, Thạnh Mỹ, đèo Lò Xo, Ngọc Hồi, Kon Tum, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa, Chơn Thành, ngã tư Bình Phước, Tân Thạnh, Mỹ An, thị xã Cao Lãnh, cầu Cao Lãnh (sông Tiền), cầu Vàm Cống (sông Hậu), Rạch Sỏi, Minh Lương, Gò Quao, Vĩnh Thuận, thành phố Cà Mau, cầu Đầm Cùng, Năm Căn, Đất Mũi.
+ Nhánh phía Tây (dài 500 km) qua các điểm: Khe Gát, đèo U Bò, Tăng Ký, cầu Khỉ, Sen Bụt, Khe Sanh, Đắk Rông, đèo Pê Ke, A Lưới, A Đớt, A Tép, Hiên, Thạnh Mỹ.
Như vậy, đường Trường Sơn còn được gọi là Đường Hồ Chí Minh và kéo dài từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau).
Đường Trường Sơn còn có tên gọi khác là gì? Dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025? (hình từ internet)
Tiến độ thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2025?
Dự án đường Hồ Chí Minh đến nay đã hoàn thành hơn 90%, dự kiến đến năm 2025 dự án sẽ cơ bản hoàn thành, nối thông tuyến với tổng chiều dài 2.744 km để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Theo tiểu mục 2.2 Mục 2 Nghị quyết 63/2022/QH15 về kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV ban hành như sau:
(1) Về triển khai thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11, Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan trong việc triển khai dự án đường Hồ Chí Minh.
(2) Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng về lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần phát triển đất nước. Tuy nhiên, đến nay đã quá thời hạn 02 năm nhưng vẫn còn một số đoạn tuyến chưa hoàn thành theo yêu cầu tại Nghị quyết số 66/2013/QH13 của Quốc hội.
(3) Công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện còn thiếu tập trung, quyết liệt và chưa kịp thời đề xuất các giải pháp khả thi, hiệu quả nhằm thực hiện đúng mục tiêu đề ra. Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan tiếp tục phối hợp thực hiện tốt các yêu cầu nêu trong Nghị quyết số 66/2013/QH13 và một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau đây:
- Tổ chức rút kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện Dự án; đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, hoàn thành các dự án thành phần đang triển khai đã được bố trí vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 để sớm đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả toàn tuyến đường; kiểm toán, quyết toán kịp thời theo đúng các quy định của pháp luật;
- Đối với các dự án còn lại:
+ Đến năm 2025, hoàn thành việc đầu tư xây dựng các đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận theo quy mô 2 làn xe bằng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã bố trí cho Bộ Giao thông vận tải, cơ bản nối thông đường Hồ Chí Minh trên cơ sở sử dụng Quốc lộ 32 và Quốc lộ 21;
+ Triển khai ngay công tác chuẩn bị đầu tư đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến thuộc dự án thành phần Đoan Hùng - Chợ Bến trong năm 2022 - 2023, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật.
(4) Kết thúc dự án đường Hồ Chí Minh theo quy mô 2 làn xe, hoàn thành kiểm toán, quyết toán và tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13, báo cáo Quốc hội vào năm 2026;
(5) Thực hiện duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời các đoạn của đường Hồ Chí Minh đã đưa vào khai thác; tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm bền vững hóa công trình, bảo đảm yêu cầu thoát lũ, bảo vệ các hệ sinh thái và cảnh quan môi trường. Rà soát, từng bước đầu tư, nâng cấp đường Hồ Chí Minh theo quy mô phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
(6) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có đường Hồ Chí Minh đi qua tăng cường quản lý chặt chẽ hành lang an toàn giao thông, tiếp tục phối hợp thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; thu hút các nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng các trạm dừng nghỉ, dịch vụ trên tuyến đường Hồ Chí Minh theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Theo Nghị quyết số 63/2022/QH15, đến năm 2025 sẽ cơ bản nối thông đường Hồ Chí Minh trên cơ sở sử dụng quốc lộ 32 và quốc lộ 21; rà soát, từng bước đầu tư, nâng cấp đường Hồ Chí Minh theo quy mô phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.