Doanh nghiệp phải thông tin sớm về kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán 2025 cho người lao động theo yêu cầu của TPHCM?
Nội dung chính
Doanh nghiệp phải thông tin sớm về kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán 2025 cho người lao động theo yêu cầu của TPHCM?
Ngày 28/11/2024, Sở Lao động Thương bình và Xã hội TPHCM đã có Công văn 30344/SLĐTBXH-LĐ năm 2024 về việc báo các tình hình lao động, tiền lương năm 2024 và kế hoạch thưởng Tết năm 2025 gửi các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn TPHCM.
Trong đó, căn cứ Mục 1 Công văn 30344/SLĐTBXH-LĐ năm 2024, Sở Lao động Thương bình và Xã hội TPHCM đã yêu cầu doanh nghiệp trên địa bàn thành phố phối hợp, trao đổi với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở căn cứ hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương, quy chế thưởng để thực hiện các chế độ tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động theo thỏa thuận; xây dựng phương án thưởng theo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2024 theo quy định của pháp luật lao động trước ngày 12/12/2024 và thông báo cho người lao động biết, cụ thể:
(1) Thông tin sớm và đầy đủ kế hoạch trả lương, trả thưởng trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2025 để người lao động biết rõ về các nội dung như: tiền lương, tiền thưởng, các khoản trợ cấp, hỗ trợ cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán (tặng quà Tết, hỗ trợ vé tàu, xe cho người lao động về quê ăn Tết…), thời gian nghỉ Tết, nghỉ phép năm và thời điểm thực hiện trả lương, trả thưởng.
Doanh nghiệp thực hiện chế độ ngày nghỉ Tết Nguyên đán phải đảm bảo quy định tại điểm b, khoản 1 và khoản 3 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019. Trường hợp doanh nghiệp thực hiện ngày nghỉ Tết Nguyên đán kết hợp với ngày nghỉ hằng năm thì phải trao đổi, thỏa thuận với người lao động và công khai trong doanh nghiệp trước khi thực hiện.
(2) Đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn theo kế hoạch trả lương, trả thưởng trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2025 cho người lao động, không để xảy ra tình trạng nợ lương, nợ thưởng của người lao động dẫn đến nguy cơ tranh chấp và bất ổn trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp.
Trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc chi trả tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động trong dịp Tết thì thông tin, trao đổi nhanh với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và báo cáo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghệ cao (nơi doanh nghiệp đặt trụ sở) để cùng phối hợp, có kế hoạch thưởng Tết và hỗ trợ cho người lao động.
(3) Tăng cường tổ chức đối thoại và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, ký kết thỏa ước lao động tập thể để thực hiện các chế độ và phúc lợi đối với người lao động.
Doanh nghiệp phải thông tin sớm về kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán 2025 cho người lao động theo yêu cầu của TPHCM? (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp có bắt buộc thưởng tết cho người lao động không?
Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Thưởng
1. Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Căn cứ quy định trên, doanh nghiệp có thể thưởng cho người lao động dựa trên kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động chứ không bắt buộc phải thực hiện điều đó.
Nghĩa vụ của người sử dụng lao động là gì?
Khoản 2 Điều 6 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động
...
2. Người sử dụng lao động có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác; tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động;
b) Thiết lập cơ chế và thực hiện đối thoại, trao đổi với người lao động và tổ chức đại diện người lao động; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc;
c) Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nhằm duy trì, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động;
d) Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng và thực hiện các giải pháp phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
đ) Tham gia phát triển tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, đánh giá, công nhận kỹ năng nghề cho người lao động.
Như vậy, người sử dụng lao đông có các nghĩa vụ nêu trên.