Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có được làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại?

Những nguồn vốn nào được dùng để phát triển dự án nhà ở thương mại? Doanh nghiệp bất động sản có thể làm chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại không?

Nội dung chính

    Các nguồn vốn nào được sử dụng để phát triển các dự án nhà ở thương mại?

    Căn cứ khoản 1 Điều 115 Luật Nhà ở 2023 quy định vốn để phát triển đối với từng loại nhà ở như sau:

    Vốn để phát triển đối với từng loại nhà ở
    1. Vốn để phát triển nhà ở thương mại bao gồm:
    a) Vốn của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại;
    b) Vốn huy động thông qua góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của tổ chức, cá nhân;
    c) Vốn huy động thông qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ theo quy định của pháp luật;
    d) Tiền mua, tiền thuê mua nhà ở trả trước, trả chậm, trả dần của khách hàng theo hợp đồng mua bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai;
    đ) Vốn vay từ tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam.
    2. Vốn để phát triển nhà ở công vụ bao gồm:
    a) Vốn ngân sách nhà nước cấp, bao gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương;
    b) Nguồn vốn hợp pháp khác.
    ...

    Theo như quy định trên thì các nguồn vốn được sử dụng để phát triển nhà ở thương mại bao gồm:

    - Vốn của chủ đầu tư

    - Vốn huy động qua các hình thức hợp tác và liên doanh

    - Vốn huy động từ các công cụ tài chính

    - Tiền trả trước, trả chậm từ khách hàng

    - Vốn vay từ các tổ chức tín dụng và tài chính

    Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có được làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại?

    Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có được làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại? (Hình ảnh từ Internet)

    Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có được làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại?

    Căn cứ vào Điều 36 Luật Nhà ở 2023 có quy định như sau:

    Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại
    1. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phải là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a và điểm c khoản 2 Điều 35 của Luật này và thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này.
    2. Được giao đất, cho thuê đất do trúng đấu giá quyền sử dụng đất, trúng đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất; trường hợp khác được chấp thuận nhà đầu tư khi tổ chức đấu giá, đấu thầu theo quy định của pháp luật về đầu tư.
    3. Được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại khi nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với loại đất được thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với loại đất được thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại theo quy định của Luật Đất đai.

    Theo như quy định trên thì doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được làm chủ đầu tư xây dựng nhà ở thương mại khi đáp ứng 2 điều kiện như sau:

    - Có vốn chủ sở hữu theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản để thực hiện đối với từng dự án đầu tư xây dựng nhà ở;

    - Có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật.

    Ngoài ra, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được làm chủ đầu tư xây dựng nhà ở thương mại còn phải thuộc 1 trong hai trường hợp tại khoản 2 và 3 Điều 36 Luật Nhà ở 2023  

    Chủ đầu tư có trách nhiệm bảo hành đối với nhà ở thương mại sau khi xây dựng hay không?

    Căn cứ theo khoản 9 Điều 39 Luật Nhà ở 2023 quy định nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án thương mại như sau:

    Nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại
    ...
    7. Thực hiện đầy đủ cam kết trong hợp đồng kinh doanh sản phẩm của dự án; bảo đảm chất lượng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng; bàn giao nhà ở kèm theo các giấy tờ liên quan đến nhà ở giao dịch cho khách hàng và thực hiện giao dịch mua bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, kinh doanh quyền sử dụng đất theo đúng quy định của Luật này, pháp luật về kinh doanh bất động sản và quy định khác của pháp luật có liên quan.
    8. Trong thời hạn 50 ngày, kể từ ngày bàn giao nhà ở cho người mua hoặc kể từ ngày bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền theo thỏa thuận thì phải nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho người mua, người thuê mua nhà ở, trừ trường hợp người mua, thuê mua tự nguyện làm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận.
    9. Bảo hành nhà ở theo quy định của Luật này và pháp luật về xây dựng; thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định của pháp luật.
    10. Chấp hành quyết định đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền về xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong việc phát triển nhà ở, huy động vốn, ứng tiền trước của khách hàng, thực hiện giao dịch về nhà ở và hoạt động khác quy định tại Luật này.
    11. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp gây thiệt hại cho khách hàng hoặc cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở.
    12. Nghĩa vụ quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 83 của Luật này.
    13. Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

    Theo như quy định trên thì sau khi nhà ở thương mại đã được hoàn thành thì chủ đầu dự án có nghĩa vụ phải thực hiện bảo hành nhà ở.

    26