Diện tích tối thiểu tách thửa đất Thành phố Đà Nẵng áp dụng từ ngày 21/10/2024?
Nội dung chính
Diện tích tối thiểu tách thửa đất ở tại Thành phố Đà Nẵng thực hiện theo Quyết định 32/2024/QĐ-UBND?
UBND thành phố Đà Nẵng vừa ra Quyết định 32/2024/QĐ-UBND ban hành quy định về một số nội dung thuộc lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố, trong đó quy định diện tích tối thiểu khi tách thửa đất. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/10/2024.
Theo đó, diện tích tối thiểu tách thửa đất ở hoặc thửa đất có đất ở và đất khác trong cùng thửa đất được áp dụng cho các địa phương trên địa bàn thành phố Đà Nẵng theo Điều 7 Quyết định 32/2024/QĐ-UBND như sau:
(1) Diện tích đất ở tối thiểu 50,0m² và chiều rộng cạnh thửa đất tối thiểu là 3,5 m được áp dụng cho các phường thuộc quận Hải Châu và quận Thanh Khê.
(2) Diện tích đất ở tối thiểu 60,0m² và chiều rộng cạnh thửa đất tối thiểu là 4,0 m được áp dụng cho các khu vực sau đây:
- Các phường thuộc quận Sơn Trà;
- Phường Mỹ An, phường Khuê Mỹ thuộc quận Ngũ Hành Sơn;
- Phường Khuê Trung, phường Hòa Thọ Đông thuộc quận Cẩm Lệ;
- Phường Hòa Minh, Hòa Khánh Nam thuộc quận Liên Chiểu.
(3) Diện tích đất ở tối thiểu 70,0m² và chiều rộng cạnh thửa đất tối thiểu là 4,0 m được áp dụng cho các khu vực sau đây:
- Phường Hòa An thuộc quận Cẩm Lệ;
- Các phường còn lại thuộc quận Liên Chiểu, trừ các vị trí quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
(4) Diện tích đất ở tối thiểu 80,0m² và chiều rộng cạnh thửa đất tối thiểu là 4,0 m được áp dụng cho các khu vực sau đây:
- Các phường còn lại thuộc quận Ngũ Hành Sơn, trừ các vị trí quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
- Các phường còn lại thuộc quận Cẩm Lệ, trừ các vị trí quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này.
- Vị trí mặt tiền Quốc lộ 1A, Trường Sơn, Quốc lộ 14G, ĐT 602, ĐT 605 thuộc địa phận huyện Hòa Vang.
(5) Diện tích đất ở tối thiểu 120,0m² và chiều rộng cạnh thửa đất tối thiểu là 5,0 m được áp dụng cho các xã thuộc huyện Hòa Vang, huyện Hoàng Sa, trừ các vị trí quy định tại điểm d khoản 1 Điều này.
(6) Diện tích tối thiểu không bao gồm diện tích nằm trong phạm vi quy hoạch lộ giới kiệt hẻm, phạm vi chỉ giới đường đỏ, chỉ giới quy hoạch, phạm vi hành lang an toàn công trình.
Trường hợp thửa đất ở vị trí kiệt, hẻm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch lộ giới kiệt hẻm thì áp dụng theo lộ giới đã ban hành. Trường hợp thửa đất ở vị trí đường kiệt chưa có quy định về lộ giới kiệt hẻm thì độ rộng đường kiệt dự kiến phải đảm bảo tối thiểu bằng lộ giới kiệt hẻm tại khu vực và không nhỏ hơn 2,0m tại khu vực các quận: Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ; đối với huyện Hòa Vang tối thiểu là 5,0m.
(7) Việc tách thửa phải đảm bảo giao thông tiếp cận đến từng thửa đất; chiều rộng cạnh thửa đất tiếp giáp với đường giao thông của thửa đất mới được hình thành phải đáp ứng điều kiện về cạnh thửa đất tối thiểu quy định tại các điểm a, b, c, d, đ khoản 1 Điều này.
(8) Người sử dụng đất được tách thửa đất với điều kiện về diện tích tối thiểu 100m², chiều rộng cạnh thửa đất tối thiểu 4,0m đối với các quận: Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà; diện tích tối thiểu 150m², chiều rộng cạnh thửa đất tối thiểu 4,0m đối với các quận: Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu; diện tích tối thiểu 200m², chiều rộng cạnh thửa đất tối thiểu 5,0m đối với huyện Hòa Vang khi thửa đất thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Thửa đất có diện tích được xác định trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện, đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 02 năm liên tục chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất mà cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện không xem xét, đánh giá điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố công khai;
- Đất đã có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng đã quá 03 năm kể từ thời điểm có quyết định thu hồi đất mà không thực hiện.
Như vậy, Quyết định 32/2024/QĐ-UBND này có hiệu lực từ ngày 21/10/2024 và áp dụng các tiêu chuẩn về diện tích tối thiểu tách thửa để đảm bảo phát triển đô thị bền vững và phù hợp với quy hoạch.
Diện tích tối thiểu tách thửa đất Thành phố Đà Nẵng áp dụng từ ngày 21/10/2024? (Hình từ internet)
Điều kiện tách thửa đất được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 220 Luật Đất đai 2024 quy định về tách thửa đất như sau:
Tách thửa đất, hợp thửa đất
1. Việc tách thửa đất, hợp thửa đất phải bảo đảm các nguyên tắc, điều kiện sau đây:
a) Thửa đất đã được cấp một trong các loại giấy chứng nhận: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;
b) Thửa đất còn trong thời hạn sử dụng đất;
c) Đất không có tranh chấp, không bị kê biên để bảo đảm thi hành án, không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trường hợp đất có tranh chấp nhưng xác định được phạm vi diện tích, ranh giới đang tranh chấp thì phần diện tích, ranh giới còn lại không tranh chấp của thửa đất đó được phép tách thửa đất, hợp thửa đất;
d) Việc tách thửa đất, hợp thửa đất phải bảo đảm có lối đi; được kết nối với đường giao thông công cộng hiện có; bảo đảm cấp nước, thoát nước và nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý. Trường hợp người sử dụng đất dành một phần diện tích của thửa đất ở hoặc thửa đất có đất ở và đất khác trong cùng thửa đất để làm lối đi, khi thực hiện việc tách thửa đất hoặc hợp thửa đất thì không phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích đất để làm lối đi đó.
2. Trường hợp tách thửa đất thì ngoài các nguyên tắc, điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này còn phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
a) Các thửa đất sau khi tách thửa phải bảo đảm diện tích tối thiểu với loại đất đang sử dụng theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
Trường hợp thửa đất được tách có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa thì phải thực hiện đồng thời việc hợp thửa với thửa đất liền kề;
b) Trường hợp chuyển mục đích sử dụng một phần thửa đất thì thực hiện tách thửa, diện tích tối thiểu của thửa đất sau khi tách phải bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu của loại đất sau khi chuyển mục đích sử dụng. Đối với thửa đất có đất ở và đất khác thì không bắt buộc thực hiện tách thửa khi chuyển mục đích sử dụng một phần thửa đất, trừ trường hợp người sử dụng đất có nhu cầu tách thửa;
c) Trường hợp phân chia quyền sử dụng đất theo bản án, quyết định của Tòa án mà việc phân chia không bảo đảm các điều kiện, diện tích, kích thước tách thửa theo quy định thì không thực hiện tách thửa.
Do đó, các quy định này nhằm mục đích đảm bảo sự quản lý đất đai hợp lý, công bằng và hiệu quả, tránh các tranh chấp và sự thiếu hợp lý trong sử dụng đất.
Đối tượng áp dụng việc tách thửa đất?
Theo Điều 2 Quyết định 32/2024/QĐ-UBND có 02 nhóm đối tượng được áp dụng tách thửa đất bao gồm:
- Cơ quan có chức năng quản lý đất đai, cơ quan quản lý nhà ở, công trình xây dựng, cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp, Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tại các quận, huyện và các cơ quan quản lý nhà nước khác có liên quan.
- Người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Như vậy, Quyết định 32/2024/QĐ-UBND không chỉ quy định cụ thể diện tích tối thiểu tách thửa mà còn nêu rõ các điều kiện và nguyên tắc cần thiết khi thực hiện tách thửa đất tại thành phố Đà Nẵng.