Đấu giá tài sản bảo đảm là nhà ở cần đảm bảo tuân thủ nguyên tắc gì?
Nội dung chính
Tài sản bảo đảm là nhà ở được đấu giá tài sản được không?
Căn cứ Điều 4 Luật Đấu giá Tài sản 2016 được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Đấu giá tài sản sửa đổi 2024 quy định như sau:
Tài sản đấu giá
1. Tài sản mà pháp luật quy định phải đấu giá bao gồm:
a) Quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
b) Quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản;
c) Quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện;
d) Quyền sử dụng mã, số viễn thông và tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” theo quy định của pháp luật về viễn thông;
đ) Quyền sử dụng rừng, cho thuê rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp;
e) Tài sản cố định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
g) Tài sản là hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia;
h) Tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;
i) Tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;
k) Tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ;
l) Tài sản kê biên để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
m) Tài sản của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phá sản theo quy định của pháp luật về hợp tác xã và pháp luật về phá sản;
n) Tài sản của doanh nghiệp phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản;
o) Nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật;
p) Tài sản khác mà pháp luật quy định phải đấu giá.
Như vậy, theo quy định pháp luật, tài sản bảo đảm là nhà ở là một trong những tài sản mà pháp luật quy định được phép đấu giá nên tài sản bảo đảm là nhà ở được đấu giá tài sản.
Đấu giá tài sản bảo đảm là nhà ở cần đảm bảo tuân thủ nguyên tắc gì?
(Hình từ internet)
Đấu giá tài sản bảo đảm là nhà ở cần tuân thủ nguyên tắc gì?
Căn cứ Điều 6 Luật Đấu giá tài sản 2016 có cụm từ này bị thay thế bởi điểm b khoản 45 Điều 1 Luật Đấu giá tài sản sửa đổi 2024 quy định như sau:
Nguyên tắc đấu giá tài sản
1. Tuân thủ quy định của pháp luật.
2. Bảo đảm tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan.
3. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, người mua được tài sản đấu giá, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, đấu giá viên.
4. Phiên đấu giá phải do đấu giá viên điều hành, trừ trường hợp cuộc đấu giá do Hội đồng đấu giá tài sản thực hiện.
Như vậy, theo quy định pháp luật, đấu giá tài sản bảo đảm là nhà ở phải đảm bảo tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, công bằng. Ngoài ra, đấu giá tài sản bảo đảm là nhà ở cần tuân thủ quy định pháp luật khác có liên quan.
Quy chế cuộc đấu giá tài sản bảo đảm là nhà ở bao gồm nội dung gì?
Căn cứ khoản 2 Điều 34 Luật Đất giá tài sản 2016 được bổ sung bởi điểm d khoản 20 Điều 1 Luật Đấu giá tài sản sửa đổi 2024 như sau:
Quy chế cuộc đấu giá
1. Tổ chức đấu giá tài sản ban hành Quy chế cuộc đấu giá áp dụng cho từng cuộc đấu giá trước ngày niêm yết việc đấu giá tài sản.
2. Quy chế cuộc đấu giá bao gồm những nội dung chính sau đây:
a) Tên tài sản hoặc danh mục tài sản, lô tài sản hoặc tài sản riêng lẻ, số lượng, chất lượng của tài sản đấu giá; nơi có tài sản đấu giá; giấy tờ về quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản đấu giá;
b) Thời gian, địa điểm xem tài sản đấu giá;
c) Ngày, giờ bắt đầu, hết hạn bán hồ sơ mời tham gia đấu giá; ngày, giờ bắt đầu, hết hạn tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá; địa điểm bán hồ sơ mời tham gia đấu giá, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá;
d) Giá khởi điểm của tài sản đấu giá trong trường hợp công khai giá khởi điểm;
đ) Tiền mua hồ sơ mời tham gia đấu giá, tiền đặt trước; ngày, giờ bắt đầu, hết hạn nộp tiền đặt trước;
e) Thời gian, địa điểm, điều kiện, cách thức đăng ký tham gia đấu giá;
g) Thời gian, địa điểm tổ chức phiên đấu giá;
h) Hình thức đấu giá, phương thức đấu giá;
i) Các trường hợp bị truất quyền tham gia đấu giá; các trường hợp không được nhận lại tiền đặt trước.
k) Bước giá, việc áp dụng bước giá tại các vòng đấu giá trong trường hợp cuộc đấu giá có bước giá và các vòng đấu giá; giá trả hợp lệ, giá trả không hợp lệ trong trường hợp đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại phiên đấu giá hoặc đấu giá bằng hình thức trực tuyến; phiếu trả giá hợp lệ, phiếu trả giá không hợp lệ trong trường hợp đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại phiên đấu giá hoặc đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp;
l) Quy định về cách ghi phiếu trả giá, thời hạn nộp phiếu trả giá, trình tự, thủ tục niêm phong, mở niêm phong thùng phiếu trong trường hợp đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp;
m) Giá trả của từng loại tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trong trường hợp người có quyền sử dụng đất không đồng thời là người có quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Như vây, quy chế cuộc đấu giá tài sản bảo đảm là nhà ở bao gồm nội dung chính như trên.
Luật Đấu giá tài sản sửa đổi 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025