Lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí đấu giá tài sản được quy định như thế nào?

Lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí đấu giá tài sản được quy định như thế nào?  Văn bản pháp luật nào quy định vấn đề này?

Nội dung chính

    Lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí đấu giá tài sản được quy định như thế nào? 

    Lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí đấu giá tài sản được quy định tại Điều 13 Thông tư 48/2017/TT-BTC quy định chế độ Tài chính trong hoạt động đấu giá tài sản do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành như sau:

    1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị có tài sản đấu giá hoặc cơ quan được giao xử lý việc đấu giá tài sản có trách nhiệm quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật có liên quan.

    2. Hội đồng đấu giá tài sản căn cứ vào nguồn kinh phí, mức thu, nội dung chi và mức chi quy định tại Điều 10, 11 và 12 Thông tư này và khối lượng công việc dự kiến phát sinh để lập dự toán kinh phí tổ chức thực hiện đấu giá tài sản cho từng cuộc đấu giá, trình cơ quan ra quyết định thành lập Hội đồng đấu giá tài sản phê duyệt.

    Trường hợp phải triển khai ngay công việc để đấu giá tài sản trước khi dự toán được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Hội đồng đấu giá tài sản được phép tạm ứng trước kinh phí từ cơ quan, đơn vị, tổ chức có tài sản đấu giá hoặc cơ quan được giao xử lý việc đấu giá tài sản để chi cho các công việc phải thực hiện. Mức ứng tối đa không quá 5% giá trị tài sản đấu giá (tính theo giá khởi điểm). Hội đồng đấu giá tài sản có trách nhiệm hoàn trả số tiền đã ứng cho đơn vị có tài sản đấu giá hoặc cơ quan được giao xử lý việc đấu giá tài sản trước khi báo cáo quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện đấu giá tài sản.

    a) Sau khi dự toán kinh phí tổ chức thực hiện đấu giá tài sản được duyệt, Hội đồng đấu giá tài sản chuyển một (01) bản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị có tài sản đấu giá hoặc cơ quan được giao xử lý việc đấu giá tài sản để phối hợp thực hiện.

    b) Hội đồng đấu giá tài sản có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí tổ chức thực hiện đấu giá tài sản theo đúng nội dung và mức chi trong dự toán được phê duyệt.

    Trường hợp dự toán đã được phê duyệt nhưng không đủ để chi theo thực tế thì Hội đồng đấu giá tài sản lập dự toán kinh phí bổ sung, gửi cơ quan ra quyết định thành lập Hội đồng đấu giá tài sản phê duyệt bổ sung dự toán; đồng thời, thông báo cho cơ quan, tổ chức, đơn vị có tài sản đấu giá hoặc cơ quan được giao xử lý việc đấu giá tài sản để phối hợp thực hiện. Việc sử dụng, hạch toán khoản kinh phí này thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

    c) Chậm nhất là 30 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá, Hội đồng đấu giá tài sản có trách nhiệm báo cáo quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện đấu giá tài sản với cơ quan ra quyết định thành lập Hội đồng phê duyệt theo quy định của pháp luật có liên quan.

    Cơ quan, tổ chức, đơn vị có tài sản đấu giá hoặc cơ quan được giao xử lý việc đấu giá tài sản có trách nhiệm quản lý hồ sơ quyết toán gồm: Bản quyết toán đã được phê duyệt và chứng từ liên quan đến báo cáo quyết toán kinh phí thực hiện đấu giá tài sản.

    Trên đây là nội dung quy định về lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí đấu giá tài sản. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 48/2017/TT-BTC.

     

    28