Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Đất đang có tranh chấp có bán được không? Giao dịch mua bán đất đang có tranh chấp có được coi là giao dịch vô hiệu không?

Đất khi đang có tranh chấp có bán được không? Lỡ mua phải đất đang có tranh chấp, vậy thì giao dịch mua bán đất đang có tranh chấp có được coi là giao dịch vô hiệu không?

Nội dung chính

    Thế nào là đất đang có tranh chấp?

    Căn cứ vào khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2024 quy định như sau: Đất đang có tranh chấp là thửa đất có tranh chấp đất đai mà đang trong quá trình được cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

    Có thể thấy những tranh chấp về đất có thể phát sinh từ nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sự chồng chéo giữa các giấy tờ pháp lý, hoặc tranh chấp giữa các thế hệ trong gia đình về quyền thừa kế... Chính ví vậy, đất đang có tranh chấp không chỉ là một vấn đề pháp lý đơn thuần mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến quyền lợi của các bên liên quan. Do đó, việc nắm rõ tình trạng của đất trước khi tiến hành bất cứ một giao dịch nào là vô cùng quan trọng, giúp các bên tham gia giao dịch giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn cũng như đưa ra quyết định đúng đắn trong việc đầu tư hoặc sử dụng đất.

    Thế nào là đất đang có tranh chấp? Đất đang tranh chấp có bán được không?

    Thế nào là đất đang có tranh chấp? Đất đang có tranh chấp có bán được không? (Hình ảnh từ Internet)

    Đất đang tranh chấp có bán được không?

    Căn cứ theo Điều 45 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:

    Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất
    1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có đủ các điều kiện sau đây:
    a) Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất, chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa, tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước, cộng đồng dân cư và trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 124 và điểm a khoản 4 Điều 127 của Luật này;
    b) Đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật;
    c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự;
    d) Trong thời hạn sử dụng đất;
    đ) Quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.

    Như vậy, từ những quy định trên có thể thấy nếu muốn bán đất phải đáp ứng đủ các điều kiện ở trên. Trong đó có điều kiện là đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật. Vậy nên, nếu đất đang có tranh chấp thì không thể bán được.

    Tóm lại, chỉ khi thửa đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết một cách hợp pháp, thì giao dịch bán đất mới có thể diễn ra một cách hợp pháp và an toàn. Việc hiểu rõ quy định pháp luật liên quan đến giao dịch bất động sản sẽ giúp các bên tránh được những rủi ro pháp lý không đáng có, đồng thời bảo vệ quyền lợi của mình trong quá trình thực hiện các giao dịch liên quan tới đất đai.

    Giao dịch mua bán đất đang có tranh chấp có được coi là giao dịch vô hiệu không?

    Căn cứ khoản 1 Điều 117 và Điều 122 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

    Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
    1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
    a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
    b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

    c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

    ...

    Điều 122. Giao dịch dân sự vô hiệu
    Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác.

    Theo đó, khi căn cứ theo Điều 45 Luật Đất đai 2024 thì chỉ được bán đất khi đáp ứng các điều kiện được quy định, trong đó có điều kiện là đất không có tranh chấp.

    Trong trường hợp đất đang có tranh chấp mà vẫn bán cho người khác thì giao dịch dân sự này sẽ bị vô hiệu vì mục đích và nội dung của giao dịch dân sự đã vi phạm điều cấm của luật. Do đó, căn cứ theo quy định của pháp luật, giao dịch mua bán đất đang có tranh chấp được coi là giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật.

    26