Đất đai có phải là hàng hóa không? Ai có quyền sở hữu đất đai?

Chuyên viên pháp lý Đỗ Hữu Hòa
Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đất đai có phải là hàng hóa không? Ai có quyền sở hữu đất đai? Nhà nước là đại diện chủ sở hữu về đất đai có các quyền gì?

Nội dung chính

    Đất đai có phải là hàng hóa không? Ai có quyền sở hữu đất đai?

    Khoản 2 Điều 3 Luật Thương mại 2005 quy định:

    Giải thích từ ngữ
    Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
    ...
    2. Hàng hóa bao gồm:
    a) Tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai;
    b) Những vật gắn liền với đất đai.
    ...

    Căn cứ quy định này, chỉ những vậy gắn liền với đất đai mới có thể được xem là hàng hóa, còn đất đai không được xem là hàng hóa theo Luật Thương mại 2005.

    Đồng thời, Điều 53 Hiến pháp 2013 quy định:

    Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

    Cùng với đó, Điều 12 Luật Đất đai 2024 quy định:

    Sở hữu đất đai
    Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này.

    Căn cứ các quy định trên, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Không có bất kỳ một cá nhân, cơ quan, tổ chức nào có quyền sở hữu đất đai.

    Đất đai có phải là hàng hóa không? Ai có quyền sở hữu đất đai?

    Đất đai có phải là hàng hóa không? Ai có quyền sở hữu đất đai? (Hình từ Internet)

    Nhà nước là đại diện chủ sở hữu về đất đai có các quyền gì?

    Căn cứ quy định tại Điều 13 Luật Đất đai 2024, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu đất đai có các quyền như sau:

    (1) Quyết định quy hoạch sử dụng đất.

    (2) Quyết định mục đích sử dụng đất thông qua quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

    (3) Quy định hạn mức sử dụng đất gồm hạn mức giao đất nông nghiệp, hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận đất ở và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.

    (4) Quyết định thời hạn sử dụng đất.

    (5) Quyết định thu hồi đất.

    (6) Quyết định trưng dụng đất.

    (7) Quyết định giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất.

    (8) Quyết định cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.

    (9) Công nhận quyền sử dụng đất.

    (10) Quy định nguyên tắc, phương pháp định giá đất; ban hành bảng giá đất và quyết định giá đất cụ thể.

    (11) Quyết định chính sách tài chính về đất đai; điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại.

    (12) Quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất phù hợp với hình thức giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nguồn gốc sử dụng đất và nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất.

    Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai thông qua những cơ quan nào?

    Điều 14 Luật Đất đai 2024 quy định:

    Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai
    Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai theo thẩm quyền quy định của Luật này và luật khác có liên quan thông qua các cơ quan sau đây:
    1. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết về đất đai; quyết định quy hoạch sử dụng đất quốc gia; thực hiện quyền giám sát đối với việc quản lý, sử dụng đất đai trong phạm vi cả nước;
    2. Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện quyền thông qua quy hoạch sử dụng đất của địa phương mình trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; thông qua việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng của địa phương theo thẩm quyền; thông qua việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất theo thẩm quyền quy định của Luật này; quyết định bảng giá đất; giám sát việc thi hành pháp luật về đất đai tại địa phương;
    3. Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai theo thẩm quyền quy định của Luật này và luật khác có liên quan.

    Như vậy, Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai thông qua các cơ quan theo quy định trên.

    Quản lý nhà nước về đất đai gồm những nội dung gì?

    Điều 20 Luật Đất đai 2024 quy định:

    Nội dung quản lý nhà nước về đất đai
    1. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai.
    2. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hợp tác quốc tế trong quản lý, sử dụng đất đai.
    3. Xác định địa giới đơn vị hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính.
    4. Đo đạc, chỉnh lý, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ quy hoạch sử dụng đất và các bản đồ chuyên ngành về quản lý, sử dụng đất.
    5. Điều tra, đánh giá và bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đai.
    6. Lập, điều chỉnh, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
    7. Giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, công nhận quyền sử dụng đất, trưng dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
    8. Điều tra, xây dựng bảng giá đất, giá đất cụ thể, quản lý giá đất.
    9. Quản lý tài chính về đất đai.
    10. Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, trưng dụng đất.
    11. Phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất.
    12. Đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa chính; cấp, đính chính, thu hồi, hủy giấy chứng nhận.
    13. Thống kê, kiểm kê đất đai.
    14. Xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai.
    15. Quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
    16. Giải quyết tranh chấp đất đai; giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai.
    17. Cung cấp, quản lý hoạt động dịch vụ công về đất đai.
    18. Thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.

    Như vậy, quản lý nhà nước về đất đai gồm 18 nhóm nội dung như trên.

    157
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ