Đất có mặt nước chuyên dùng do ai quản lý? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với đất có mặt nước chuyên dùng?
Nội dung chính
Đất có mặt nước chuyên dùng do ai quản lý?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 217 Luật Đất đai 2024 như sau:
Đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý
1. Đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý là đất chưa giao, chưa cho thuê hoặc đã được giao đất để quản lý, bao gồm:
a) Đất sử dụng vào mục đích công cộng;
b) Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối, ao, hồ, đầm, phá;
c) Đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; đất cơ sở lưu giữ tro cốt;
d) Đất có mặt nước chuyên dùng;
đ) Đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất;
e) Đất do Nhà nước thu hồi và giao cho tổ chức phát triển quỹ đất quản lý;
g) Đất do Nhà nước thu hồi và giao Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý trong các trường hợp tại điểm đ khoản 1 và khoản 3 Điều 82; khoản 2 Điều 82 tại khu vực nông thôn; khoản 5 Điều 86; điểm e khoản 2 Điều 181 của Luật này;
h) Đất giao lại, chuyển quyền sử dụng đất của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao khi không có nhu cầu sử dụng đất thực hiện trên cơ sở điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và quy định của pháp luật có liên quan;
i) Đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn;
k) Đất chưa sử dụng.
...
Như vậy, căn cứ tại điểm d khoản 1 Điều 217 Luật Đất đai 2024 thì đất có mặt nước chuyên dùng do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý.
Bên cạnh đó, cơ quan, tổ chức của Nhà nước được giao quản lý quỹ đất có mặt nước chuyên dùng có trách nhiệm quản lý, bảo toàn diện tích đất được giao quản lý.
Việc sử dụng quỹ đất thực hiện theo chế độ sử dụng đất tương ứng theo quy định của Luật Đất đai 2024.
Đất có mặt nước chuyên dùng do ai quản lý? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với đất có mặt nước chuyên dùng? (Ảnh từ Internet)
Ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với đất có mặt nước chuyên dùng?
Theo quy định tại Điều 7 Luật Đất đai 2024 có quy định về người sẽ chịu trách nhiệm trước nhà nước đối với đất được giao quản lý như sau:
Người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với đất được giao quản lý
1. Người đại diện của tổ chức chịu trách nhiệm đối với việc quản lý đất trong các trường hợp sau đây:
a) Tổ chức trong nước được giao quản lý công trình công cộng và hành lang bảo vệ an toàn các công trình theo quy định của pháp luật;
b) Tổ chức trong nước được giao quản lý đất có mặt nước của các sông và đất có mặt nước chuyên dùng;
c) Tổ chức trong nước được giao quản lý quỹ đất đã thu hồi theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
d) Tổ chức kinh tế được giao quản lý diện tích đất để thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không thành lập đơn vị hành chính cấp xã chịu trách nhiệm đối với việc quản lý đất sử dụng vào mục đích công cộng được giao quản lý, đất chưa giao, đất chưa cho thuê tại địa phương.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm đối với việc quản lý đất chưa sử dụng tại các đảo chưa giao cho đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã quản lý.
4. Người đại diện cho cộng đồng dân cư là người chịu trách nhiệm đối với đất được giao cho cộng đồng dân cư quản lý.
Như vậy, căn cứ tại điểm b khoản 1 Điều 7 Luật Đất đai 2024 thì tổ chức trong nước được giao quản lý đất có mặt nước của các sông và đất có mặt nước chuyên dùng là bên chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với các loại đất này.
Việc quản lý và sử dụng đất có mặt nước chuyên dùng được quy định như thế nào?
Căn cứ tại khoản 2, khoản 3 Điều 215 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:
Đất có mặt nước chuyên dùng và đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối
...
2. Căn cứ vào mục đích sử dụng chủ yếu đã xác định, đất có mặt nước chuyên dùng và đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối được quản lý, sử dụng theo quy định sau đây:
a) Nhà nước giao cho tổ chức để quản lý kết hợp sử dụng, khai thác đất có mặt nước chuyên dùng vào mục đích phi nông nghiệp hoặc phi nông nghiệp kết hợp với nuôi trồng, khai thác thủy sản;
b) Nhà nước cho thuê đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối thu tiền thuê đất hằng năm đối với tổ chức kinh tế, cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để nuôi trồng thủy sản hoặc sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp hoặc sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp kết hợp với nuôi trồng thủy sản và phải thực hiện theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước;
c) Nhà nước cho thuê đất có mặt nước là hồ thủy điện, thủy lợi để kết hợp sử dụng với mục đích phi nông nghiệp, nuôi trồng, khai thác thủy sản theo thẩm quyền;
d) Nhà nước giao, cho thuê đất trong phạm vi bảo vệ và phạm vi phụ cận đập, hồ chứa nước thuộc công trình thủy điện, thủy lợi cho tổ chức, cá nhân để quản lý, kết hợp sử dụng, khai thác đất có mặt nước kết hợp với các mục đích sử dụng đất khác theo quy định của pháp luật có liên quan và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định.
3. Việc khai thác, sử dụng đất có mặt nước chuyên dùng và đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối phải bảo đảm không ảnh hưởng đến mục đích sử dụng chủ yếu đã được xác định; phải tuân theo quy định về kỹ thuật của các ngành, lĩnh vực có liên quan và các quy định về bảo vệ cảnh quan, môi trường; không làm cản trở dòng chảy tự nhiên; không gây cản trở giao thông đường thủy.
...
Theo đó, việc quản lý và sử dụng đất có mặt nước chuyên dùng, đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối phải tuân thủ mục đích sử dụng chủ yếu và theo quy định của Nhà nước.
Nhà nước có thể giao hoặc cho thuê đất này để khai thác vào các mục đích phi nông nghiệp, nuôi trồng, khai thác thủy sản, nhưng phải đảm bảo không gây ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, dòng chảy tự nhiên và giao thông đường thủy.