Danh sách tên các phường xã mới huyện Thạch Thất Hà Nội sau sáp nhập tỉnh

Danh sách tên các phường xã mới huyện Thạch Thất Hà Nội sau sáp nhập tỉnh? Đơn vị địa giới hành chính được quy định như thế nào trong Luật Đất đai hiện hành?

Nội dung chính

    Danh sách tên các phường xã mới huyện Thạch Thất Hà Nội sau sáp nhập tỉnh

    Ngày 16/6/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 1656/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Nội năm 2025.

    Theo Nghị quyết 1656/NQ-UBTVQH15 năm 2025, sau sáp nhập xã phường, sắp xếp đơn vị hành chính, Thủ Đô Hà Nội có 126 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 75 xã và 51 phường.

    Trước sáp nhập tỉnh (01/7/2025), huyện Thạch Thất hiện có 20 đơn vị hành chính cấp xã, gồm thị trấn Liên Quan và 19 xã (Bình Yên, Cẩm Yên, Cần Kiệm, Đại Đồng, Đồng Trúc, Hạ Bằng, Hương Ngải, Kim Quan, Lại Thượng, Lam Sơn, Phú Kim, Phùng Xá, Quang Trung, Tân Xã, Thạch Hòa, Thạch Xá, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung).

    Sau sáp nhập tỉnh 2025 (01/7/2025), theo quy định tại Điều 1 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025, đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức thành 02 cấp, gồm có:

    - Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh);

    - Xã, phường, đặc khu trực thuộc cấp tỉnh (sau đây gọi chung là cấp xã).

    Vậy nên, sau sáp nhập tỉnh 2025 không còn huyện Thạch Thất mà sẽ chia thành các phường xã. Dưới đây là danh sách tên các phường xã mới huyện Thạch Thất Hà Nội sau sáp nhập tỉnh:

    (1) Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thị trấn Liên Quan và các xã Cẩm Yên, Đại Đồng, Kim Quan, Lại Thượng, Phú Kim thành xã mới có tên gọi là xã Thạch Thất.

    (2) Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Cần Kiệm, xã Đồng Trúc, một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các xã Bình Yên, Hạ Bằng, Tân Xã và một phần diện tích tự nhiên của xã Phú Cát thành xã mới có tên gọi là xã Hạ Bằng.

    (3) Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất), Hương Ngải, Lam Sơn, Thạch Xá, một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Quang Trung, một phần diện tích tự nhiên của thị trấn Quốc Oai, xã Ngọc Liệp và xã Phượng Sơn thành xã mới có tên gọi là xã Tây Phương.

    (4) Sắp xếp một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Tiến Xuân, xã Thạch Hòa, phần còn lại của xã Cổ Đông sau khi sắp xếp và phần còn lại của các xã Bình Yên, Hạ Bằng, Tân Xã sau khi sắp xếp thành xã mới có tên gọi là xã Hòa Lạc.

    (5) Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai), Yên Bình, Yên Trung, phần còn lại của xã Tiến Xuân sau khi sắp xếp và phần còn lại của xã Thạch Hòa sau khi sắp xếp thành xã mới có tên gọi là xã Yên Xuân.

    (6) Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các xã Cấn Hữu, Liệp Nghĩa, Tuyết Nghĩa, phần còn lại của xã Ngọc Liệp và xã Quang Trung sau khi sắp xếp, phần còn lại của xã Ngọc Mỹ sau khi sắp xếp thành xã mới có tên gọi là xã Kiều Phú.

    Như vậy, danh sách tên các phường xã mới huyện Thạch Thất Hà Nội sau sáp nhập tỉnh bao gồm: xã Thạch Thất, xã Hạ Bằng, xã Tây Phương, xã Hòa Lạc, xã Yên Xuân, xã Kiều Phú.

    Danh sách tên các phường xã mới huyện Thạch Thất Hà Nội sau sáp nhập tỉnhDanh sách tên các phường xã mới huyện Thạch Thất Hà Nội sau sáp nhập tỉnh (Hình từ Internet)

    Đơn vị địa giới hành chính được quy định như thế nào trong Luật Đất đai hiện hành?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 49 Luật Đất đai 2024 về đơn vị địa giới hành chính như sau:

    - Địa giới đơn vị hành chính được lập theo đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh. Hồ sơ địa giới đơn vị hành chính thể hiện thông tin về việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính và các mốc địa giới, đường địa giới của đơn vị hành chính đó.

    - Bộ Nội vụ hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan xác định địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp dưới có liên quan xác định địa giới đơn vị hành chính trên thực địa và lập hồ sơ về địa giới đơn vị hành chính trong phạm vi địa phương.

    - Phạm vi quản lý đất đai trên đất liền được xác định theo đường địa giới đơn vị hành chính của từng đơn vị hành chính theo quy định của pháp luật.

    - Trường hợp phạm vi quản lý đất đai cấp tỉnh chưa xác định được do chưa xác định được địa giới đơn vị hành chính thì Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương có liên quan lập hồ sơ trình Chính phủ.

    - Trường hợp phạm vi quản lý đất đai cấp huyện, cấp xã chưa xác định được do chưa xác định được địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp dưới có liên quan phối hợp giải quyết; trong thời gian chưa có quyết định về xác định địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về đất đai đối với khu vực chưa thống nhất. Trường hợp không thống nhất được phương án giải quyết thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập hồ sơ trình Chính phủ.

    - Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn việc giải quyết trường hợp chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính; tổ chức giải quyết việc chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 49 Luật Đất đai 2024

    - Bộ Nội vụ quy định về việc lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính.

    Chuyên viên pháp lý Hồ Nguyễn Bảo Ngọc
    saved-content
    unsaved-content
    1