Đăng ký cư trú cho người chưa thành niên theo quy định Nghị định 154/2024/NĐ-CP như thế nào?
Nội dung chính
Đăng ký cư trú cho người chưa thành niên theo quy định Nghị định 154/2024/NĐ-CP như thế nào?
Ngày 26 tháng 11 năm 2924, Chính phủ ban hành Nghị định 154/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú 2020. Nghị định 154/2024/NĐ-CP áp dụng đối với cơ quan, tổ chức và công dân Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Căn cứ Điều 7 Nghị định 154/2024/NĐ-CP quy định về đăng ký cư trú cho người chưa thành niên như sau:
Đăng ký cư trú cho người chưa thành niên
1. Trường hợp người chưa thành niên đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại nơi thường trú, nơi tạm trú của cha, mẹ hoặc cha hoặc mẹ thì cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ thực hiện kê khai, xác nhận ý kiến vào Tờ khai thay đổi thông tin cư trú.
Trường hợp người chưa thành niên đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại nơi thường trú, nơi tạm trú không phải là nơi thường trú, nơi tạm trú của cha, mẹ hoặc người giám hộ thì cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ thực hiện kê khai, xác nhận ý kiến vào Tờ khai thay đổi thông tin cư trú. Trường hợp người chưa thành niên được Tòa án quyết định giao cho cha hoặc mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng thì người được giao chăm sóc, nuôi dưỡng kê khai, xác nhận ý kiến vào Tờ khai thay đổi thông tin cư trú.
2. Trong thời hạn tối đa 60 ngày, kể từ ngày người chưa thành niên được đăng ký khai sinh thì cha hoặc mẹ hoặc chủ hộ hoặc người giám hộ có trách nhiệm thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo thông tin về cư trú cho người chưa thành niên. Trường hợp cha, mẹ của người chưa thành niên có nơi thường trú nhưng không phải nơi đang thực tế sinh sống thì người chưa thành niên được đăng ký thường trú tại nơi thường trú của cha, mẹ.
3. Trường hợp cha, mẹ của người chưa thành niên không có cả nơi thường trú, nơi tạm trú thì thực hiện khai báo thông tin về cư trú cho người chưa thành niên theo quy định tại Điều 4 Nghị định này.
4. Trường hợp đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú lần đầu cho người chưa thành niên theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này thì cơ quan đăng ký cư trú không phải thực hiện kiểm tra, xác minh điều kiện về tính hợp pháp của chỗ ở và tình trạng cư trú.
Như vậy, quy định về đăng ký cư trú cho người chưa thành niên cụ thể là:
- Cha, mẹ hoặc người giám hộ kê khai và xác nhận vào Tờ khai thay đổi thông tin cư trú khi người chưa thành niên đăng ký tại nơi cư trú của cha, mẹ, hoặc người giám hộ.
+ Nếu người chưa thành niên cư trú tại nơi khác, cha, mẹ hoặc người giám hộ vẫn phải kê khai.
+ Trường hợp do Tòa án giao cha hoặc mẹ chăm sóc, người được giao nuôi dưỡng thực hiện kê khai.
- Trong vòng 60 ngày từ khi đăng ký khai sinh, cha, mẹ, chủ hộ, hoặc người giám hộ phải đăng ký thường trú, tạm trú hoặc khai báo cư trú cho người chưa thành niên.
- Nếu cha, mẹ có nơi thường trú nhưng không sống tại đó, người chưa thành niên được đăng ký tại nơi thường trú của cha, mẹ.
- Nếu cha, mẹ không có nơi thường trú hoặc tạm trú, việc khai báo thông tin cư trú cho người chưa thành niên thực hiện theo Điều 4 Nghị định 154/2024/NĐ-CP.
- Khi đăng ký thường trú hoặc tạm trú lần đầu cho người chưa thành niên, cơ quan cư trú không phải kiểm tra tính hợp pháp của chỗ ở và tình trạng cư trú.
Đăng ký cư trú cho người chưa thành niên theo quy định
Nghị định 154/2024/NĐ-CP như thế nào? (Hình từ internet)
Hồ sơ, thủ tục xoá đăng ký thường trú theo Nghị định 154/2024/NĐ-CP?
Căn cứ Điều 9 Nghị định 154/2024/NĐ-CP quy định về hồ sơ, thủ tục xóa đăng ký thường trú như sau:
(1) Trong 07 ngày từ khi có người thuộc diện xóa đăng ký thường trú, người đó hoặc đại diện hộ gia đình phải làm thủ tục.
(2) Hồ sơ bao gồm tờ khai thay đổi thông tin cư trú và giấy tờ chứng minh thuộc diện xóa đăng ký.
(3) Nộp trực tuyến, trực tiếp hoặc qua bưu chính công ích tại cơ quan đăng ký cư trú.
(4) Nếu thông tin chưa đầy đủ hoặc chính xác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ quan cư trú có trách nhiệm cập nhật.
(5) Trong 05 ngày làm việc từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cư trú sẽ xóa đăng ký thường trú và cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu.
(6) Nếu người hoặc hộ gia đình không thực hiện, cơ quan cư trú sẽ kiểm tra, lập biên bản và tự động xóa đăng ký thường trú.
(7) Đơn vị quản lý lực lượng vũ trang gửi văn bản đề nghị cơ quan cư trú xóa đăng ký thường trú cho người thuộc đơn vị.
(8) Trong 01 ngày làm việc từ khi nhận phản ánh về người thuộc diện bị xóa đăng ký, cơ quan cư trú phải kiểm tra, xác minh và thực hiện xóa đăng ký.
(9) Sau khi xóa đăng ký thường trú, cơ quan cư trú thông báo bằng văn bản giấy, điện tử, hoặc hình thức khác cho người bị xóa hoặc đại diện hộ gia đình.
Đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp của chủ sở hữu người mất năng lực hành vi dân sự cần lấy ý kiến của ai?
Căn cứ khoản 4 Điều 8 Nghị định 154/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Một số nội dung đăng ký, quản lý cư trú
...
4. Trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp của chủ sở hữu là người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người dưới 18 tuổi, người bị tuyên bố mất tích, người đã chết thì chỉ cần lấy ý kiến đồng ý của một trong những người đại diện hợp pháp, người thừa kế của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo quy định pháp luật, đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp của chủ sở hữu là người mất năng lực hành vi dân sự chỉ cần ý kiến đồng ý của một người đại diện hợp pháp.
Nghị định 154/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 01 năm 2025.