Cụm công nghiệp phải có quy mô diện tích như thế nào?

Cụm công nghiệp phải có quy mô diện tích như thế nào? Nghĩa vụ tuyển dụng lao động đối với cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp như thế nào?

Nội dung chính

    Cụm công nghiệp phải có quy mô diện tích như thế nào?

    Căn cứ khoản 1 Điều 2 Nghị định 32/2024/NĐ-CP về giải thích từ ngữ quy định như sau:

    Giải thích từ ngữ

    Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
    1. Cụm công nghiệp là nơi sản xuất công nghiệp, thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định, không có dân cư sinh sống, được đầu tư xây dựng chủ yếu nhằm thu hút, di dời các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác vào đầu tư sản xuất kinh doanh.

    Cụm công nghiệp có quy mô diện tích không vượt quá 75 ha và không dưới 10 ha. Riêng đối với cụm công nghiệp ở các huyện miền núi và cụm công nghiệp làng nghề có quy mô diện tích không vượt quá 75 ha và không dưới 05 ha.

    ...

    Như vậy, cụm công nghiệp cần đáp ứng yêu cầu về quy mô diện tích trong khoảng từ 10 ha đến không quá 75 ha. Đối với các khu vực huyện miền núi hoặc cụm công nghiệp làng nghề, diện tích có thể nhỏ hơn, nằm trong giới hạn từ 5 ha đến tối đa 75 ha.

    Điều này đảm bảo rằng các cụm công nghiệp duy trì quy mô thích hợp để phục vụ mục đích sản xuất và di dời các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã và tổ hợp tác vào các khu vực sản xuất kinh doanh phù hợp.

    Cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp có nghĩa vụ gì trong tuyển dụng lao động?

    Cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp có nghĩa vụ gì trong tuyển dụng lao động? (Hình từ Internet)

    Cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp có nghĩa vụ gì trong tuyển dụng lao động?

    Căn cứ khoản 3 Điều 23 Nghị định 32/2024/NĐ-CP về nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp quy định như sau:

    Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp
    1. Sử dụng đất, triển khai dự án đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh đúng nội dung hợp đồng kinh tế với chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, Quy chế quản lý các dịch vụ công cộng, tiện ích trong cụm công nghiệp và nội dung Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có); trường hợp quá thời hạn quy định phải đề nghị cơ quan có thẩm quyền, chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp gia hạn theo quy định.
    2. Tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, tài chính, kế toán, kiểm toán, thống kê, bảo hiểm, lao động, an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp, an ninh trật tự, an toàn xã hội đối với dự án đầu tư trong cụm công nghiệp; nộp các khoản tiền sử dụng hạ tầng, dịch vụ công cộng, tiện ích khác theo thỏa thuận.
    3. Tham gia tích cực vào việc thu hút lao động, giải quyết việc làm tại địa phương, ưu tiên lao động thuộc diện chính sách, hộ gia đình bị thu hồi đất để xây dựng cụm công nghiệp.
    4. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ tình hình hoạt động của dự án đầu tư trong cụm công nghiệp gửi cơ quan thống kê trên địa bàn theo quy định của Luật Thống kê, đồng thời gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện để quản lý.
    5. Thực hiện các nghĩa vụ, quy định khác của pháp luật.

    Theo đó, một trong các nghĩa vụ của cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp là tuyển dụng lao động, cụ thể như tham gia tích cực vào việc thu hút lao động, giải quyết việc làm tại địa phương, ưu tiên lao động thuộc diện chính sách, hộ gia đình bị thu hồi đất để xây dựng cụm công nghiệp.

    Quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp như thế nào?

    Căn cứ Điều 24 Nghị định 32/2024/NĐ-CP về quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh quy định như sau:

    Quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh
    1. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp thực hiện theo các quy định hiện hành của pháp luật.
    2. Việc kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh thực hiện theo kế hoạch do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và được thực hiện thường xuyên không quá một lần trong một năm trừ khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra phối hợp với Sở Công Thương, Ủy ban nhân dân cấp huyện và chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp thực hiện công tác phòng ngừa, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong cụm công nghiệp.
    3. Tổ chức, cá nhân trong cụm công nghiệp báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh gửi cơ quan thống kê trên địa bàn theo quy định của Luật Thống kê. Định kỳ hàng quý, năm, cơ quan thống kê trên địa bàn có trách nhiệm tổng hợp tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp gửi Sở Công Thương, Ủy ban nhân dân cấp huyện để quản lý.

    Như vậy, việc quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp được quy định như trên.

    22