Công trình điện lực là gì? Công trình điện lực là tổ hợp các yếu tố gì?
Nội dung chính
Công trình điện lực là gì?
Căn cứ tiết 3.16 tiểu mục 3 Mục I Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01: 2020/BCT về An toàn điện quy định như sau:
3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chuẩn này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
[...]
3.16. Công trình điện lực là tổ hợp các phương tiện, máy móc, thiết bị, kết cấu xây dựng phục vụ trực tiếp cho hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, điều độ hệ thống điện, mua bán điện; hệ thống bảo vệ công trình điện lực; hành lang bảo vệ an toàn lưới điện; đất sử dụng cho công trình điện lực và công trình phụ trợ khác.
Như vậy, công trình điện lực là toàn bộ cơ sở hạ tầng và thiết bị phục vụ trực tiếp cho sản xuất, truyền tải, phân phối và điều hành hệ thống điện, bao gồm cả các công trình phụ trợ và khu vực bảo vệ liên quan.
Công trình điện lực là gì? Công trình điện lực là tổ hợp các yếu tố gì? (Hình từ Internet)
Chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành công trình điện lực có trách nhiệm đặt biển cấm, biển báo an toàn điện ở đâu?
Căn cứ khoản 1 Điều 18 Nghị định 62/2025/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 18. Biển cấm, biển báo, tín hiệu cảnh báo về an toàn điện
1. Chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành công trình điện lực có trách nhiệm đặt biển cấm, biển báo an toàn điện tại các trạm điện, cột điện và các vị trí giao chéo giữa đường dây dẫn điện trên không, đường cáp điện ngầm với đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật về an toàn điện và các quy định của pháp luật về đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.
2. Các cột điện phải được sơn màu trắng, đỏ từ khoảng chiều cao 50 m trở lên và phải đặt đèn tín hiệu trên đỉnh cột trong các trường hợp sau:
a) Cột điện cao từ 80 m trở lên;
b) Cột điện cao trên 50 m đến dưới 80 m nhưng ở vị trí có yêu cầu đặc biệt.
[...]
Theo đó, chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành công trình điện lực có trách nhiệm đặt biển cấm, biển báo an toàn điện tại các điểm sau:
- Trạm điện,
- Cột điện,
- Các vị trí giao chéo giữa đường dây dẫn điện trên không, đường cáp điện ngầm với đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật về an toàn điện và các quy định của pháp luật về đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.
Trách nhiệm về an toàn điện của chủ đầu tư công trình điện lực, tổ chức, đơn vị quản lý vận hành, cải tạo công trình điện lực và các hoạt động sử dụng điện cho sản xuất là gì?
Căn cứ khoản 2 Điều 69 Luật Điện lực 2024 quy định như sau:
Điều 69. Quy định chung về an toàn điện
1. Người trực tiếp thực hiện công việc xây dựng, sửa chữa, cải tạo, quản lý, vận hành hệ thống điện, công trình điện lực; kiểm định thiết bị, dụng cụ điện và công việc khác liên quan trực tiếp đến hệ thống điện phải được huấn luyện, sát hạch, cấp thẻ an toàn điện.
2. Chủ đầu tư công trình điện lực, tổ chức, đơn vị quản lý vận hành, xây dựng, sửa chữa, cải tạo công trình điện lực và các hoạt động sử dụng điện cho sản xuất có trách nhiệm sau đây:
a) Tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kỹ thuật điện, an toàn điện và các quy định của pháp luật về an toàn điện;
b) Lắp đặt biển cấm, biển báo, tín hiệu cảnh báo về an toàn điện, an toàn phòng cháy, chữa cháy, an toàn giao thông theo quy định của pháp luật;
c) Tổ chức hoặc thuê đơn vị có đủ năng lực tổ chức huấn luyện, sát hạch, cấp thẻ an toàn điện cho người lao động tại khoản 1 Điều này thuộc phạm vi quản lý;
d) Khi xảy ra sự cố, tai nạn điện phải áp dụng ngay các biện pháp để khắc phục sự cố, tai nạn điện, cấp cứu, sơ tán người ra khỏi khu vực nguy hiểm và kịp thời báo cáo các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
đ) Thực hiện chế độ báo cáo về an toàn điện và vi phạm hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực.
[...]
Như vậy, trách nhiệm về an toàn điện của chủ đầu tư công trình điện lực, tổ chức, đơn vị quản lý vận hành, cải tạo công trình điện lực và các hoạt động sử dụng điện cho sản xuất cụ thể:
- Tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kỹ thuật điện, an toàn điện và các quy định của pháp luật về an toàn điện;
- Lắp đặt biển cấm, biển báo, tín hiệu cảnh báo về an toàn điện, an toàn phòng cháy, chữa cháy, an toàn giao thông theo quy định của pháp luật;
- Tổ chức hoặc thuê đơn vị có đủ năng lực tổ chức huấn luyện, sát hạch, cấp thẻ an toàn điện cho người lao động là người trực tiếp thực hiện công việc xây dựng, sửa chữa, cải tạo, quản lý, vận hành hệ thống điện, công trình điện lực; kiểm định thiết bị, dụng cụ điện và công việc khác liên quan trực tiếp đến hệ thống điện phải được huấn luyện, sát hạch, cấp thẻ an toàn điện thuộc phạm vi quản lý;
- Khi xảy ra sự cố, tai nạn điện phải áp dụng ngay các biện pháp để khắc phục sự cố, tai nạn điện, cấp cứu, sơ tán người ra khỏi khu vực nguy hiểm và kịp thời báo cáo các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
- Thực hiện chế độ báo cáo về an toàn điện và vi phạm hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực.