Người sử dụng đất có trách nhiệm gì để đơn vị điện lực tiếp cận công trình điện lực?

Chuyên viên pháp lý: Nguyễn Xuân An Giang
Tham vấn bởi Luật sư: Phạm Thanh Hữu
Người sử dụng đất có trách nhiệm gì để đơn vị điện lực tiếp cận công trình điện lực? Người sử dụng đất có bao gồm tổ chức nước ngoài hay không?

Nội dung chính

    Người sử dụng đất có trách nhiệm gì để đơn vị điện lực tiếp cận công trình điện lực?

    Căn cứ khoản 1 Điều 67 Luật Điện lực 2024 quy định như sau:

    Điều 67. Bảo vệ an toàn công trình điện lực
    1. Đơn vị điện lực và tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không, đường cáp điện ngầm, trạm điện, nhà máy phát điện và các công trình điện lực khác theo quy định của pháp luật. Người sử dụng đất có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị điện lực tiếp cận công trình điện lực để kiểm tra, sửa chữa, bảo trì và khắc phục sự cố.
    2. Khi xây dựng, cải tạo, sửa chữa, mở rộng công trình điện lực hoặc công trình khác có khả năng gây ảnh hưởng đến nhau thì đơn vị điện lực và tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm sau đây:
    a) Phối hợp triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn về điện và xây dựng;
    b) Thông báo kịp thời với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện các nguy cơ, hiện tượng mất an toàn đối với công trình điện lực;
    c) Bồi thường khi gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về dân sự.
    3. Khi không còn khai thác, sử dụng thì công trình điện lực, thiết bị điện phải được xử lý, tháo dỡ, quản lý bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật về bảo vệ môi trường.
    4. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện quy định về bảo vệ an toàn công trình điện lực tại Luật này và luật khác có liên quan; kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ an toàn công trình điện lực.
    5. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 và khoản 2 Điều này.

    Như vậy, người sử dụng đất có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị điện lực tiếp cận công trình điện lực để thực hiện kiểm tra, sửa chữa, bảo trì và khắc phục sự cố. Đây là nghĩa vụ nhằm bảo đảm an toàn công trình điện lực.

    Người sử dụng đất có trách nhiệm gì để đơn vị điện lực tiếp cận công trình điện lực?

    Người sử dụng đất có trách nhiệm gì để đơn vị điện lực tiếp cận công trình điện lực? (Hình từ Internet)

    Người sử dụng đất có bao gồm tổ chức nước ngoài hay không?

    Căn cứ khoản 5 Điều 4 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:

    Điều 4. Người sử dụng đất
    Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất ổn định, đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà chưa được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; nhận quyền sử dụng đất; thuê lại đất theo quy định của Luật này, bao gồm:
    [...]
    5. Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ;
    [...]

    Theo đó, người sử dụng đất có bao gồm tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao. Cụ thể như sau:

    - Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận;

    - Cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ.

    Người sử dụng đất không còn nhu cầu sử dụng đất thì có bị thu hồi không?

    Căn cứ khoản 2 Điều 82 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:

    Điều 82. Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người, không còn khả năng tiếp tục sử dụng
    1. Các trường hợp thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật bao gồm:
    a) Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất bị giải thể, phá sản hoặc bị chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật;
    b) Cá nhân sử dụng đất chết mà không có người nhận thừa kế sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản theo quy định của pháp luật về dân sự;
    c) Đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn nhưng không được gia hạn sử dụng đất;
    d) Thu hồi đất trong trường hợp chấm dứt dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
    đ) Thu hồi đất trong trường hợp đã bị thu hồi rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
    2. Người sử dụng đất giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất và có đơn tự nguyện trả lại đất.
    3. Các trường hợp thu hồi đất do có nguy cơ đe dọa tính mạng con người hoặc không còn khả năng tiếp tục sử dụng bao gồm:
    a) Đất ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người; đất khác trong khu vực bị ô nhiễm môi trường không còn khả năng tiếp tục sử dụng theo mục đích đã xác định;
    b) Đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người; đất khác bị sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác mà không còn khả năng tiếp tục sử dụng.
    [...]

    Như vậy, người sử dụng đất không còn nhu cầu sử dụng đất có thể bị thu hồi trong trường hợp có đơn tự nguyện trả lại đất.

    saved-content
    unsaved-content
    25