Có thể thuê nhà ở thương mại để sử dụng làm nhà ở công vụ không? Nội dung cần có trong báo cáo đề xuất thuê nhà ở thương mại là gì?
Nội dung chính
Có bao nhiêu loại nhà ở công vụ?
Theo Điều 44 của Luật Nhà ở 2023, nhà ở công vụ được phân thành ba loại chính:
- Nhà biệt thự: Nhà ở công vụ dạng biệt thự, thường có không gian rộng rãi và phù hợp với các đối tượng có yêu cầu cao về diện tích và tiện nghi.
- Nhà ở liền kề: Nhà ở công vụ kiểu nhà liền kề, thường được xây dựng theo dạng dãy nhà hoặc nhóm nhà gần nhau, thích hợp cho các đối tượng cần sự tiện lợi về vị trí và diện tích.
- Căn hộ chung cư: Nhà ở công vụ dạng căn hộ chung cư, cung cấp không gian sống tiện nghi trong các tòa nhà chung cư cao tầng.
Theo đó, Mỗi loại nhà ở công vụ có tiêu chuẩn diện tích khác nhau, phù hợp với từng nhóm đối tượng được thuê theo quy định của Luật Nhà ở. Tiêu chuẩn diện tích và định mức trang thiết bị nội thất cụ thể sẽ do Thủ tướng Chính phủ quy định và có thể được điều chỉnh theo từng thời kỳ dựa trên đề nghị của Bộ Xây dựng.
Có thể thuê nhà ở thương mại để sử dụng làm nhà ở công vụ không? Nội dung cần có trong báo cáo đề xuất thuê nhà ở thương mại là gì?
Theo khoản 4 Điều 43 Luật Nhà ở 2023 có quy định như sau:
Mua, thuê nhà ở thương mại để làm nhà ở công vụ
....
4. Việc thuê nhà ở thương mại để làm nhà ở công vụ được quy định như sau:
a) Trường hợp thuê nhà ở đ ể cho đối tượng của cơ quan trung ương thuê thì Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; Bộ Xây dựng trực tiếp ký hợp đồng thuê với chủ sở hữu nhà ở để bố trí cho đối tượng được thuê nhà ở công vụ;
b) Trường hợp sử dụng nhà ở để cho đối tượng thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thuê thì Bộ Quốc phòng, Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trực tiếp ký hợp đồng thuê với chủ sở hữu nhà ở để bố trí cho đối tượng được thuê nhà ở công vụ;
c) Trường hợp sử dụng nhà ở để cho đối tượng của địa phương thuê thì cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định; cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh trực tiếp ký hợp đồng thuê với chủ sở hữu nhà ở để bố trí cho đối tượng được thuê nhà ở công vụ;
d) Nội dung chủ yếu của báo cáo đề xuất thuê nhà ở thương mại để làm nhà ở công vụ quy định tại khoản này bao gồm vị trí, địa điểm, loại nhà, số lượng nhà ở, diện tích sử dụng của mỗi loại nhà ở, giá thuê nhà ở, thời hạn thuê, chi phí có liên quan, nguồn vốn để thuê nhà ở, cơ quan có trách nhiệm thanh toán tiền thuê, cơ quan ký hợp đồng thuê và thực hiện quản lý nhà ở sau khi thuê.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Như vậy, có thể thuê nhà ở thương mại để sử dụng làm nhà ở công vụ. Những đối tượng có thể thuê nhà ở thương mại để làm nhà ở công vụ bao gồm:
- Đối tượng thuộc các cơ quan trung ương;
- Đối tượng thuộc lực lượng vũ trang nhân dân;
- Đối tượng thuộc các cơ quan địa phương.
Khi báo cáo đề xuất thuê nhà ở thương mại để sử dụng làm nhà ở công vụ, báo cáo cần phải bao gồm các thông tin cụ thể sau:
- Vị trí và địa điểm: Xác định rõ vị trí và địa điểm cụ thể của nhà ở mà dự kiến thuê.
- Loại nhà và số lượng: Nêu rõ loại nhà cần thuê (như chung cư, biệt thự, căn hộ, v.v.) và số lượng cụ thể của từng loại nhà.
- Diện tích sử dụng: Cung cấp diện tích sử dụng của từng loại nhà theo yêu cầu.
- Giá thuê và thời hạn thuê: Ghi rõ giá thuê nhà và thời gian dự kiến thuê.
- Chi phí liên quan: Nêu rõ các chi phí khác có liên quan đến việc thuê nhà như phí bảo trì, dịch vụ, v.v.
- Nguồn vốn: Xác định nguồn vốn để thanh toán tiền thuê nhà.
- Cơ quan thanh toán: Đề cập cơ quan hoặc đơn vị sẽ chịu trách nhiệm thanh toán tiền thuê nhà.
- Cơ quan ký hợp đồng và quản lý: Chỉ định cơ quan có trách nhiệm ký hợp đồng thuê và quản lý nhà ở sau khi thuê xong.
Việc báo cáo đầy đủ và chi tiết những thông tin này giúp đảm bảo rằng việc thuê nhà ở thương mại để làm nhà ở công vụ được thực hiện một cách minh bạch và hiệu quả.
Có thể thuê nhà ở thương mại để sử dụng làm nhà ở công vụ không? Nội dung cần có trong báo cáo đề xuất thuê nhà ở thương mại là gì? (Hình từ internet)
Thủ tục thuê nhà ở thương mại làm nhà ở công vụ từ thực hiện như thế nào?
Theo khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 33 Nghị định 95/2024/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục thuê nhà ở thương mại làm nhà ở công vụ được quy định như sau:
Đối tượng thuộc cơ quan trung ương:
Việc thuê nhà ở thương mại để làm nhà ở công vụ phục vụ cho các đối tượng thuộc cơ quan trung ương, trừ các đối tượng lực lượng vũ trang nhân dân quy định như sau:
(1) Bộ Xây dựng có trách nhiệm lập tờ trình có các nội dung quy định tại điểm d khoản 4 Điều 43 Luật Nhà ở 2023 và gửi lấy ý kiến của cơ quan có liên quan, trong đó lấy ý kiến của cơ quan tài chính về dự toán kinh phí thuê nhà ở trong nguồn ngân sách chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định
(2) Trên cơ sở ý kiến của cơ quan tài chính, Bộ Xây dựng hoàn thiện lại tờ trình và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận;
(3) Sau khi có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng có trách nhiệm ký hợp đồng thuê với chủ sở hữu nhà ở thương mại; việc cấp kinh phí để thanh toán tiền thuê nhà được thực hiện theo ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và pháp luật về ngân sách;
(4) Sau khi ký hợp đồng thuê nhà ở thương mại, Bộ Xây dựng tiếp nhận nhà ở, ký hợp đồng cho thuê nhà ở công vụ và thu tiền thuê nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Đối tượng lực lượng vũ trang nhân dân:
Việc thuê nhà ở thương mại để làm nhà ở công vụ phục vụ cho các đối tượng lực lượng vũ trang nhân dân được quy định như sau:
(1) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an lập tờ trình có các nội dung quy định tại điểm d khoản 4 Điều 43 Luật Nhà ở 2023 và gửi lấy ý kiến của cơ quan tài chính về dự toán kinh phí thuê nhà ở trong nguồn chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;
(2) Sau khi có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm ký hợp đồng thuê với chủ sở hữu nhà ở thương mại; việc cấp kinh phí để thanh toán tiền thuê nhà được thực hiện theo ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và pháp luật về ngân sách;
(3) Sau khi ký hợp đồng thuê nhà ở thương mại, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tiếp nhận nhà ở, ký hợp đồng cho thuê nhà ở công vụ và thu tiền thuê nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Đối tượng của địa phương:
Việc thuê nhà ở thương mại để làm nhà ở công vụ phục vụ cho các đối tượng của địa phương thuê được quy định như sau:
(1) Cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh lập tờ trình có các nội dung quy định tại điểm d khoản 4 Điều 43 Luật Nhà ở 2023 và gửi lấy ý kiến của cơ quan tài chính về dự toán kinh phí thuê nhà ở trong nguồn chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách trước khi báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định;
(2) Sau khi có ý kiến chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh có trách nhiệm ký hợp đồng thuê với chủ sở hữu nhà ở thương mại; việc cấp kinh phí để thanh toán tiền thuê nhà được thực hiện theo ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và pháp luật về ngân sách;
(3) Sau khi ký hợp đồng thuê nhà ở thương mại, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh tiếp nhận nhà ở, ký hợp đồng cho thuê nhà ở công vụ và thu tiền thuê nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật về nhà ở.