Có thể lấy lại những tài sản đã đầu tư xây dựng trên mảnh đất đã khước từ quyền thừa kế không?

Có được hưởng gì từ mảnh đất đã khước từ quyền thừa kế của bố chị để lại không? Có thể lấy lại những tài sản đã đầu tư xây dựng trên mảnh đất đã khước từ quyền thừa kế không?

Nội dung chính

    Có được hưởng gì từ mảnh đất đã khước từ quyền thừa kế của bố chị để lại không?

    Theo quy định của pháp luật dân sự về thừa kế thì quyền thừa kế di sản của các con phát sinh tại thời điểm cha, mẹ chết, và những người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản thừa kế. Theo thông tin chị cung cấp thì khi bố mẹ chị mất,  chị và các anh chị em  đã đồng ý khước từ quyền thừa kế, để cho chị cả đứng tên căn nhà và đất tại Đồng Nai. Vì vậy, theo quy định của pháp luật, do chị đã từ chối nhận di sản nên chị không còn quyền và lợi ích nào từ di sản này nữa. 

    Có thể lấy lại những tài sản đã đầu tư xây dựng trên mảnh đất đã khước từ quyền thừa kế không? (Hình từ internet)

    Có thể lấy lại những tài sản đã đầu tư xây dựng trên mảnh đất đã khước từ quyền thừa kế không?

    Trong thời gian sinh sống ở đây, được sự đồng ý của chị cả, chị đã đổ đất, xây nhà trên mảnh đất này. Đó là sự đầu tư xây dựng nhà ở bằng tài sản cá nhân của chị trên cơ sở đã được sự đồng ý của chủ sở hữu hợp pháp đối với đất ở. Từ thông tin chị cung cấp, Luật Sư Online chưa biết cụ thể chị đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp căn nhà cũ bố mẹ để lại hay đầu tư xây dựng căn nhà mới trên đất cũng như hai chị em có thỏa thuận về điều kiện sửa chữa, xây mới gì không. Ở đây có hai trường hợp dẫn đến hai hệ quả pháp lý khác nhau:

    Trường hợp thứ nhất, chị cả với tư cách là chủ sở hữu hợp pháp nhà, đất đồng ý cho chị và các con chị sống trong mảnh đất bố mẹ để lại cho tới khi chị chết mà không có bất kỳ điều kiện nào.  Việc chị sửa nhà, xây nhà mới không phải là điều kiện để chị cả cho mẹ con chị ở đây, việc này là do chị tự ý muốn xây dựng thêm và được sự đồng ý của chị cả. Nếu sau khi chị sửa nhà, xây nhà mới xong, chị cả quyết định không cho chị ở trên mảnh đất này nữa, buộc chị chuyển đi nơi khác thì chị chỉ có quyền lấy lại những tài sản chị đã đầu tư xây dựng trên mảnh đất này mà không có quyền yêu cầu chị cả bồi thường thiệt hại, bởi lẽ đất này đứng tên chị cả, chị cả có toàn quyền quyết định việc cho hay không cho người khác ở trên mảnh đất của mình, ngoài ra chị cả cũng không có lỗi trong việc đồng ý cho chị sửa nhà, xây nhà  mới. Vậy, trong trường hợp phải chuyển đi nơi khác, chị có quyền mang theo những tài sản do mình đầu tư xây dựng. Đối với những tài sản không mang theo được thì chị vẫn có toàn quyền xử lý, định đoạt, tuy nhiên nếu việc xử lý tài sản đó gây thiệt hại cho chị cả thì chị phải bồi thường thiệt  hại.

     Trường hợp thứ hai, chị cả đồng ý cho chị và các con chị sống trên mảnh đất tại Đồng Nai cho tới khi chị chết với điều kiện chị phải đầu tư sửa chữa căn nhà cũ hoặc xây nhà mới để ở. Thỏa thuận này được xem như một giao dịch dân sự theo đó, chị và các con chị có quyền sống trên mảnh đất này cho đến khi chị chết và chị có nghĩa vụ phải đầu tư sửa chữa căn nhà cũ hoặc xây nhà mới trên đất. Vì vậy, nếu sau khi chị hoàn thành nghĩa vụ sửa nhà, xây nhà mới xong mà chị cả quyết định không cho chị ở trên mảnh đất này nữa, buộc chị chuyển đi nơi khác thì chị cả đã xâm phạm đến quyền, lợi ích của chị theo thỏa thuận ban đầu, do đó phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chị. Tuy nhiên, trường hợp phải khởi kiện ra tòa yêu cầu bồi thường thiệt hại thì chị phải cung cấp cho tòa những tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu bồi thường thiệt hại của mình là có căn cứ và hợp pháp. Một trong những tài liệu, chứng cứ quan trọng là văn bản thỏa thuận ban đầu giữa hai chị em, nếu chị không cung cấp được tài liệu này đồng thời chị cả phủ nhận trách nhiệm thì chị sẽ không có cơ sở pháp lý để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

    Tóm lại, trong trường hợp phải chuyển đi nơi khác, chị có quyền mang theo những tài sản do mình đầu tư xây dựng trên đất. Chị cả chỉ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp có thỏa thuận về việc sửa chữa, xây nhà mới như là một điều kiện để chị và các con chị được sống trên mảnh đất này. Riêng về vấn đề tranh chấp giữa gia đình chị và con của chị cả. Cháu chị không phải là chủ sở hữu hợp pháp nhà và đất ở nên việc cháu chị cầm cây đập bể cửa kiếng nhà chị và đuổi gia đình chị ra khỏi nhà rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến chỗ ở hợp pháp và gây thiệt hại về tài sản cho chị và gia đình chị. Luật Online khuyên chị trước hết nên trao đổi với chị cả về hành vi của con chị cả, ưu tiên giải quyết tranh chấp nội bộ, giảm thiểu mâu thuẫn để dàn xếp vấn đề chỗ ở cho gia đình trong tương lai. Nếu cách giải quyết này không có hiệu quả, sự việc vẫn tiếp tục tái diễn thì chị có thể nhờ sự can thiệp của pháp luật bằng cách trình báo sự việc đến cơ quan công an địa phương.

    8