Cơ quan nào có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp?
Nội dung chính
Dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp là loại dự án gì?
Theo khoản 1 Điều 95 Luật Nhà ở 2023 quy định về loại dự án và yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp như sau:
Loại dự án và yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp
1. Dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp là loại dự án đầu tư xây dựng mới 01 công trình hoặc 01 cụm công trình nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp.
...
Như vậy, dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp là loại dự án đầu tư xây dựng mới 01 công trình hoặc 01 cụm công trình nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp.
Cơ quan nào có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp?(Hình ảnh Internet)
Dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp cần đáp ứng yêu cầu gì?
Theo khoản 2 Điều 95 Luật Nhà ở 2023 quy định dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 95 Luật Nhà ở 2023 phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
- Phù hợp với quy hoạch xây dựng khu công nghiệp;
- Đáp ứng nhu cầu về diện tích nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp được xác định trong chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh;
- Bảo đảm đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đủ các khu chức năng và không gian phục vụ nhu cầu lưu trú bao gồm: y tế, sinh hoạt văn hóa, sân chơi, thể dục, thể thao, dịch vụ, thương mại và tiện ích công cộng;
- Có hàng rào, lối đi riêng với các khu sản xuất trong khu công nghiệp, bảo đảm an ninh, an toàn;
- Đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Cơ quan nào có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp?
Căn cứ vào khoản 3 Điều 95 Luật Nhà ở 2023 có quy định như sau:
Loại dự án và yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp
...
3. Dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp phải được Ban quản lý khu công nghiệp chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư theo quy định áp dụng đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật về đầu tư; quản lý, kiểm soát về chất lượng, tiêu chuẩn diện tích, giá cho thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp.
...
Theo đó, dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp phải được Ban quản lý khu công nghiệp chấp thuận nhà đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư.
Các giai đoạn đầu tư xây dựng dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp ra sao?
Căn cứ theo Điều 57 Nghị định 100/2024/NĐ-CP thì các giai đoạn đầu tư xây dựng dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp như sau:
(1) Giai đoạn chuẩn bị đầu tư:
- Việc đề xuất; Quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư; quy hoạch nhà lưu trú công nhân được thực hiện đồng bộ với dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp theo pháp luật về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, pháp luật về đầu tư và pháp luật khác có liên quan;
- Việc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở. Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp trực tiếp đầu tư nhà lưu trú công nhân thì doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà lưu trú công nhân. Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sản xuất trong khu công nghiệp thuê đất, thuê lại đất để đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp thì doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sản xuất trong khu công nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà lưu trú công nhân;
- Việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai;
- Các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án thực hiện theo pháp luật về xây dựng.
(2) Giai đoạn thực hiện dự án bao gồm khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng, cấp phép xây dựng, thi công xây dựng, vận hành công trình xây dựng và nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
(3) Giai đoạn kết thúc dự án bao gồm việc bàn giao, quyết toán Hợp đồng xây dựng và các thủ tục khác có liên quan thực hiện theo pháp luật về xây dựng, pháp luật về nhà ở và các pháp luật khác liên quan.