Có được mua bán nhà tình thương, nhà tình nghĩa không?

Nhà tình thương, nhà tình nghĩa có được cấp sổ đỏ không? Có được mua bán nhà tình thương, nhà tình nghĩa không?

Nội dung chính

    Nhà tình thương, nhà tình nghĩa có được cấp sổ đỏ không?

    Pháp luật hiện hành không có định nghĩa cụ thể về sổ đỏ, sổ đỏ là cách gọi thông thường của người dân Việt Nam để chỉ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được cấp theo quy định của pháp luật đất đai. Tên gọi "sổ đỏ" xuất phát từ màu sắc của bìa giấy chứng nhận này, vốn có màu đỏ đặc trưng.

    Theo đó, căn cứ khoản 21 Điều 3 Luật Đất đai 2024, sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất) là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

    Bên cạnh đó, tại điểm a khoản 3 Điều 137 Luật Đất đai 2024 có quy định như sau:

    Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất
    3. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất:
    a) Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết gắn liền với đất;

    Theo đó, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất thì được cấp Sổ đỏ mà không phải nộp tiền sử dụng đất. Như vậy, người đang sử dụng nhà tình thương, nhà tình nghĩa vẫn có thể được cấp Sổ đỏ.

    Có được mua bán nhà tình thương, nhà tình nghĩa không?

    Có được mua bán nhà tình thương, nhà tình nghĩa không? (Hình từ Internet)

    Có được mua bán nhà tình thương, nhà tình nghĩa không?

    Mặc dù pháp luật hiện hành không định nghĩa cụ thể về "nhà tình thương" và "nhà tình nghĩa", nhưng có thể hiểu như sau:

    (1) Nhà tình thương là loại nhà ở được xây dựng bởi Nhà nước, các tổ chức xã hội hoặc cá nhân, tổ chức hảo tâm,... nhằm hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không có nơi ở hoặc nơi ở đã xuống cấp nghiêm trọng. Mục đích là giúp họ có một nơi ở ổn định, đảm bảo cuộc sống hàng ngày.

    (2) Nhà tình nghĩa là loại nhà ở được xây dựng dành cho các gia đình chính sách, những người có công với cách mạng. Việc xây dựng do Nhà nước, các tổ chức xã hội và các cá nhân từ thiện thực hiện, nhằm tri ân và đền đáp những cống hiến và hy sinh của họ cho đất nước.

    Dưới góc độ pháp lý, việc Nhà nước, các tổ chức xã hội, cá nhân hay các tổ chức hảo tâm xây dựng nhà tình thương và nhà tình nghĩa để trao tặng cho các hộ gia đình khó khăn, người có công với cách mạng,... được xem là một giao dịch tặng cho nhà ở không có điều kiện. Pháp luật hiện hành không có bất kỳ quy định nào cấm hay hạn chế đối với việc mua bán loại nhà ở này. Theo đó, nhà tình thương, nhà tình nghĩa vẫn được mua bán khi đáp ứng đủ các điều kiện được mua bán theo quy định tại khoản 1 Điều 160 Luật Nhà ở 2023 như sau:

    - Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ)

    - Không thuộc trường hợp đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu theo quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo;

    - Đang trong thời hạn sở hữu nhà ở đối với trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn;

    - Không bị kê biên để thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc không thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp ngăn chặn theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

    - Không thuộc trường hợp đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở của cơ quan có thẩm quyền;

    Như vậy, nhà tình thương, nhà tình nghĩa nếu thỏa mãn tất cả điều kiện được giao dịch mua bán nêu trên thì được phép mua bán.

    Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng mua bán nhà tình nghĩa, nhà tình thương là khi nào?

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 164 Luật Nhà ở 2023 thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng mua bán nhà tình nghĩa, nhà tình thương là khi hoàn thành công chứng hoặc chứng thực hợp đồng theo quy định của pháp luật.

    10