Cơ cấu tổ chức của Sở Tài nguyên và Môi trường được quy định như thế nào?

Cơ cấu tổ chức của Sở Tài nguyên và Môi trường được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định về vấn đề này?

Nội dung chính

    Cơ cấu tổ chức của Sở Tài nguyên và Môi trường được quy định như thế nào?

    Theo quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch 50/2014/TTLT-BTNMT-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tài nguyên và Môi trường thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Tài nguyên và Môi trường thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Bộ Nội vụ ban hành thì: 

    1. Lãnh đạo Sở

    a) Sở Tài nguyên và Môi trường có Giám đốc và không quá 03 Phó Giám đốc; riêng Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có không quá 04 Phó Giám đốc;

    b) Giám đốc Sở là người đứng đầu Sở, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Sở; chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; báo cáo trước Hội đồng nhân dân, trả lời kiến nghị của cử tri, chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo yêu cầu;

    c) Phó Giám đốc Sở là người giúp Giám đốc Sở, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công;

    d) Việc bổ nhiệm Giám đốc Sở và Phó Giám đốc Sở do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành và theo quy định của pháp luật;

    đ) Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các tổ chức trực thuộc Sở theo tiêu chuẩn chức danh do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành;

    e) Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường không kiêm chức danh Trưởng của đơn vị cấp dưới có tư cách pháp nhân. Việc miễn nhiệm, cho từ chức, khen thưởng, kỷ luật và các chế độ, chính sách khác đối với Giám đốc và Phó Giám đốc Sở thực hiện theo quy định của pháp luật.

    2. Các tổ chức tham mưu tổng hợp và chuyên môn, nghiệp vụ

    a) Văn phòng;

    b) Thanh tra;

    c) Phòng Kế hoạch - Tài chính;

    d) Phòng Đo đạc, Bản đồ và Viễn thám;

    đ) Phòng Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu;

    e) Phòng Khoáng sản;

    g) Phòng Tài nguyên nước;

    h) Chi cục Bảo vệ môi trường (có không quá 04 phòng);

    i) Chi cục Quản lý đất đai (có không quá 04 phòng);

    k) Chi cục Biển và Hải đảo (chỉ thành lập đối với các tỉnh, thành phố có biển, có không quá 03 phòng).

    Đối với thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trong trường hợp thành lập tổ chức khác ngoài các tổ chức theo quy định tại Khoản 2 Điều này thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo xây dựng Đề án thành lập tổ chức và phải thống nhất với Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi quyết định.

    3. Các đơn vị sự nghiệp công lập

    a) Trung tâm Công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường;

    b) Trung tâm Phát triển quỹ đất;

    c) Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường;

    d) Văn phòng Đăng ký đất đai;

    đ) Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên và môi trường (trên cơ sở tổ chức lại các Trung tâm khác hiện có).

    4. Biên chế công chức, vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở

    Biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập của Sở Tài nguyên và Môi trường được giao trên cơ sở vị trí việc làm, gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động và nằm trong tổng biên chế công chức, biên chế sự nghiệp trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được cấp có thẩm quyền giao.

    Trên đây là nội dung tư vấn về cơ cấu tổ chức của Sở Tài nguyên và Môi trường. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 50/2014/TTLT-BTNMT-BNV.

     

    30