Có bao nhiêu loại bản đồ quy hoạch sử dụng đất hiện nay?
Nội dung chính
Có bao nhiêu loại bản đồ quy hoạch sử dụng đất hiện nay?
Hiện nay, bản đồ quy hoạch được phân thành ba loại phổ biến, gồm:
(1) Bản đồ quy hoạch chung – Tỷ lệ 1/5.000:
- Đây là loại bản đồ quy hoạch mang tính định hướng, dùng để xác định chức năng sử dụng đất, mốc giới các khu vực, quy hoạch hệ thống giao thông và các công trình hạ tầng kỹ thuật như cầu, đường, công viên cây xanh, hệ thống điện, trường học, hồ nước...
- Bản đồ tỷ lệ 1/5.000 thường được sử dụng làm cơ sở pháp lý cho việc lập quy hoạch phân khu và để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, di dời dân cư, đền bù...
(2) Bản đồ quy hoạch phân khu – Tỷ lệ 1/2.000:
- Loại bản đồ này có chức năng cụ thể hóa nội dung của bản đồ quy hoạch chung 1/5.000, nhằm phân chia rõ ràng chức năng sử dụng đất theo từng khu vực, đồng thời bố trí mạng lưới hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
- Các nội dung chính thể hiện trong bản đồ bao gồm:
+ Ranh giới quy hoạch
+ Tính chất và chức năng của từng khu vực
+ Diện tích, dân số dự kiến
+ Các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội...
(3) Bản đồ quy hoạch chi tiết – Tỷ lệ 1/500:
- Đây là loại bản đồ chi tiết nhất, thể hiện rõ ràng vị trí và ranh giới từng lô đất, từng công trình xây dựng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đường nội bộ, cấp thoát nước, cấp điện, cây xanh…
- Dựa trên bản đồ quy hoạch 1/500, có thể xác định được:
+ Vị trí xây dựng công trình
+ Thiết kế cơ sở
+ Phương án kỹ thuật và triển khai thi công thực tế
Trên đây là nội dung về Có bao nhiêu loại bản đồ quy hoạch sử dụng đất hiện nay?
Có bao nhiêu loại bản đồ quy hoạch sử dụng đất hiện nay? (Hình từ Internet)
Xây dựng nhà xưởng trong khu công nghiệp có cần lập quy hoạch chi tiết 1/500 không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Nghị định 35/2023/NĐ-CP:
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 10 Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng
Sửa đổi, bổ sung khoản 4, khoản 5, bổ sung các khoản 5a, 5b, 5c, 5d và 5đ vào sau khoản 5 Điều 10 như sau:
“4. Các khu vực trong khu chức năng thuộc đối tượng phải lập quy hoạch chi tiết xây dựng, khi thực hiện đầu tư xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng thì phải lập quy hoạch chi tiết xây dựng để cụ thể hóa quy hoạch chung, quy hoạch phân khu xây dựng (đối với trường hợp quy định phải lập quy hoạch phân khu xây dựng), làm cơ sở để lập dự án đầu tư xây dựng, cấp giấy phép xây dựng và triển khai các công việc khác theo quy định của pháp luật liên quan. Đối với các lô đất có quy mô nhỏ quy định tại khoản 5 Điều này thì được lập quy hoạch chi tiết xây dựng theo quy trình rút gọn (gọi là quy trình lập quy hoạch tổng mặt bằng) theo quy định từ khoản 5a đến khoản 5đ Điều này.
...
Theo quy định trên, việc xây dựng nhà xưởng trong khu công nghiệp không phải lúc nào cũng yêu cầu lập quy hoạch chi tiết 1/500.
Việc có cần lập quy hoạch chi tiết hay không sẽ phụ thuộc vào việc khu công nghiệp đó có thuộc diện phải lập quy hoạch chi tiết xây dựng hay không.
Nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 60 Luật Đất đai 2024:
Theo đó, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo nguyên tắc sau:
- Việc lập quy hoạch sử dụng đất các cấp phải tuân thủ nguyên tắc và mối quan hệ giữa các loại quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch 2017.
Quy hoạch sử dụng đất các cấp phải tổng hợp, cân đối nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực có sử dụng đất.
- Quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải bảo đảm tính đặc thù, liên kết vùng; bảo đảm sự cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương và phù hợp với tiềm năng đất đai của quốc gia nhằm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
- Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện phải đáp ứng yêu cầu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh.
- Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ; quy hoạch sử dụng đất của cấp trên bảo đảm nhu cầu sử dụng đất của cấp dưới; quy hoạch sử dụng đất của cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của cấp trên; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải xác định được nội dung sử dụng đất đến cấp xã; kế hoạch sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cùng cấp đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.
- Nội dung quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu sử dụng đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên.
- Sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả; khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, độ che phủ rừng; bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
- Bảo đảm tính liên tục, kế thừa, ổn định, đặc thù, liên kết của các vùng kinh tế - xã hội; cân đối hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương, giữa các thế hệ; phù hợp với điều kiện, tiềm năng đất đai.
- Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp phải bảo đảm sự tham gia của tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng, cá nhân; bảo đảm công khai, minh bạch.
- Quy hoạch sử dụng đất các cấp được lập đồng thời; quy hoạch sử dụng đất cấp cao hơn phải được quyết định, phê duyệt trước quy hoạch sử dụng đất cấp thấp hơn. Khi kết thúc thời kỳ quy hoạch sử dụng đất mà quy hoạch sử dụng đất thời kỳ tiếp theo chưa được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt thì các chỉ tiêu sử dụng đất chưa thực hiện hết được tiếp tục thực hiện đến khi quy hoạch sử dụng đất thời kỳ tiếp theo được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.
- Kế hoạch sử dụng đất được lập đồng thời với lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cùng cấp. Kế hoạch sử dụng đất năm đầu của quy hoạch sử dụng cấp huyện được lập đồng thời với lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.