Chủ đầu tư có quyền tự thực hiện giám sát thi công xây dựng công trình không? Nghiệm thu công trình xây dựng gồm gì?

Chủ đầu tư có được quyền tự thực hiện giám sát hay chấm dứt hợp đồng giám sát thi công xây dựng công trình không? Nghiệm thu công trình xây dựng bao gồm gì?

Nội dung chính

    Chủ đầu tư có quyền tự thực hiện giám sát thi công xây dựng công trình không?

    Căn cứ khoản 2 Điều 19 Nghị định 06/2021/NĐ-CP về giám sát thi công xây dựng công trình quy định như sau:

    Giám sát thi công xây dựng công trình
    ....
    2. Chủ đầu tư được quyền tự thực hiện giám sát thi công xây dựng công trình nếu đủ điều kiện năng lực hoặc thuê tổ chức tư vấn đủ điều kiện năng lực theo quy định thực hiện giám sát một, một số hoặc toàn bộ các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này.
    ...

    Như vậy, chủ đầu tư có quyền tự thực hiện giám sát thi công xây dựng công trình nếu đáp ứng đủ điều kiện năng lực. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng có thể lựa chọn thuê tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực để thực hiện giám sát một hoặc một số nội dung, hoặc toàn bộ các nội dung giám sát theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định 06/2021/NĐ-CP.

    Chủ đầu tư có quyền tự thực hiện giám sát thi công xây dựng công trình không? Nghiệm thu công trình xây dựng gồm gì?

    Chủ đầu tư có quyền tự thực hiện giám sát thi công xây dựng công trình không? Nghiệm thu công trình xây dựng gồm gì? (Hình từ Internet)

    Nghiệm thu công trình xây dựng gồm gì?

    Căn cứ khoản 1 Điều 123 Luật Xây dựng 2014 về nghiệm thu công trình xây dựng quy định như sau:

    Nghiệm thu công trình xây dựng
    1. Việc nghiệm thu công trình xây dựng gồm:
    a) Nghiệm thu công việc xây dựng trong quá trình thi công và nghiệm thu các giai đoạn chuyển bước thi công khi cần thiết;
    b) Nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, hoàn thành công trình xây dựng để đưa vào khai thác, sử dụng.
    ...

    Theo đó, nghiệm thu công trình xây dựng là một bước quan trọng nhằm đảm bảo chất lượng và tiến độ của công trình trước khi đưa vào sử dụng. Theo quy định hiện hành, quá trình nghiệm thu bao gồm hai nội dung chính:

    - Nghiệm thu công việc trong quá trình thi công:

    + Nghiệm thu công việc xây dựng: Đây là việc kiểm tra, đánh giá từng công việc xây dựng cụ thể trong suốt quá trình thi công. Việc nghiệm thu này giúp phát hiện kịp thời các sai sót hoặc không đạt yêu cầu về chất lượng.

    + Nghiệm thu các giai đoạn chuyển bước thi công: Khi công trình chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn khác (chẳng hạn từ phần móng lên phần thân), việc nghiệm thu là cần thiết để đảm bảo rằng tất cả các yêu cầu về kỹ thuật đã được đáp ứng trước khi tiếp tục thi công.

    - Nghiệm thu hoàn thành:

    + Nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình: Khi một hạng mục của công trình xây dựng đã hoàn thành, việc nghiệm thu sẽ xác nhận rằng hạng mục đó đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, yêu cầu thiết kế và quy định của pháp luật.

    + Nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng: Đây là bước cuối cùng trước khi công trình được đưa vào khai thác, sử dụng. Việc nghiệm thu này sẽ xem xét toàn bộ công trình để đảm bảo rằng tất cả các hạng mục đều đã hoàn thành theo đúng thiết kế và chất lượng.

    - Quy trình nghiệm thu:

    + Chuẩn bị hồ sơ: Bao gồm biên bản nghiệm thu, các chứng chỉ chất lượng, tài liệu liên quan đến các công việc đã hoàn thành.

    + Thực hiện nghiệm thu: Các bên liên quan (chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát) sẽ cùng nhau kiểm tra và đánh giá.

    + Ký biên bản nghiệm thu: Sau khi hoàn thành quá trình nghiệm thu, các bên sẽ ký biên bản nghiệm thu để xác nhận kết quả.

    Việc nghiệm thu đúng quy trình sẽ giúp đảm bảo an toàn và chất lượng cho công trình, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các bước tiếp theo trong quá trình đưa công trình vào khai thác, sử dụng.

    Chủ đầu tư có quyền chấm dứt hợp đồng giám sát thi công xây dựng công trình không?

    Căn cứ khoản 1 Điều 121 Luật Xây dựng 2014 về quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư trong việc giám sát thi công xây dựng công trình quy định như sau:

    Quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư trong việc giám sát thi công xây dựng công trình
    1. Chủ đầu tư có các quyền sau:
    a) Tự thực hiện giám sát thi công xây dựng công trình khi có đủ điều kiện năng lực giám sát thi công xây dựng và tự chịu trách nhiệm về việc giám sát của mình;
    b) Đàm phán, ký kết hợp đồng giám sát thi công xây dựng công trình; theo dõi, giám sát và yêu cầu nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết;
    c) Thay đổi hoặc yêu cầu tổ chức tư vấn thay đổi người giám sát trong trường hợp người giám sát không thực hiện đúng quy định;
    d) Đình chỉ thực hiện hoặc chấm dứt hợp đồng giám sát thi công xây dựng công trình theo quy định của pháp luật;
    đ) Các quyền khác theo quy định của hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan.
    ...

    Như vậy, trong các quyền mà chủ đầu tư được phép thực thì có quyền đình chỉ thực hiện hoặc chấm dứt hợp đồng giám sát thi công xây dựng công trình theo quy định của pháp luật.

    Do đó chủ đầu tư có được quyền chấm dứt hợp đồng giám sát thi công xây dựng công trình theo quy định.

    56