Chia di sản là quyền sử dụng đất như thế nào khi không có di chúc?

Chuyên viên pháp lý Hồ Nguyễn Bảo Ngọc
Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chia di sản là quyền sử dụng đất như thế nào khi không có di chúc? Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài có quyền thừa kế quyền sử dụng đất không?

Nội dung chính

    Chia di sản là quyền sử dụng đất như thế nào khi không có di chúc?

    Nếu không có di chúc thì quyền sử dụng đất sẽ được chia theo hàng thừa kế những người có quyền thừa kế theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

    Người thừa kế theo pháp luật
    1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
    a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
    b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
    c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
    2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
    3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

    Theo quy định, người có quyền thừa kế quyền sử dụng đất được chia thành ba hàng theo thứ tự ưu tiên hưởng di sản. Những người cùng hàng thừa kế sẽ chia di sản bằng nhau. Nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước, người ở hàng thừa kế sau mới được quyền hưởng di sản.

    Ngoài ra căn cứ theo quy định tại Điều 655 Bộ luật Dân sự 2015 về trường hợp vợ chồng có quyền thừa kế quyền sử dụng đất như sau:

    Việc thừa kế trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung; vợ, chồng đang xin ly hôn hoặc đã kết hôn với người khác
    1. Trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại mà sau đó một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.
    2. Trường hợp vợ, chồng xin ly hôn mà chưa được hoặc đã được Tòa án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.
    3. Người đang là vợ hoặc chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản.

    Theo đó, trong các trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung, đang xin ly hôn hoặc đã kết hôn với người khác, người còn sống vẫn có quyền thừa kế di sản. Tương tự, nếu vợ chồng đang xin ly hôn mà chưa có hiệu lực pháp lý, hoặc đã ly hôn nhưng bản án chưa có hiệu lực, người còn sống cũng được thừa kế di sản. Ngoài ra, nếu người đang sống chung với người chết là vợ hoặc chồng tại thời điểm qua đời, họ vẫn có quyền thừa kế, dù sau đó có kết hôn với người khác.

    Như vậy, việc chia di sản là quyền sử dụng đất khi không có di chúc được quy định như trên.

    Chia di sản là quyền sử dụng đất như thế nào khi không có di chúc?

    Chia di sản là quyền sử dụng đất như thế nào khi không có di chúc? (Hình từ Internet)

    Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài có quyền thừa kế quyền sử dụng đất không?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Đất đai 2024 như sau:

    Quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; người nước ngoài hoặc người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam
    1. Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam; có quyền sử dụng đất ở do nhận chuyển quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở.

    Theo đó, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì được quyền sử dụng đất tại Việt Nam.

    Đồng thời, căn cứ theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 28 Luật Đất đai 2024 như sau:

    Nhận quyền sử dụng đất
    1. Người nhận quyền sử dụng đất được quy định như sau:
    a) Cá nhân được nhận chuyển đổi quyền sử dụng đất quy định tại điểm b khoản 1 Điều 37 của Luật này;
    b) Tổ chức kinh tế, cá nhân được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất;
    c) Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao;
    d) Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ;
    đ) Tổ chức kinh tế, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất;
    e) Tổ chức trong nước, cá nhân, cộng đồng dân cư được nhận tặng cho quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này;
    g) Tổ chức trong nước, cá nhân, cộng đồng dân cư được nhận thừa kế quyền sử dụng đất;
    h) Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua, thuê mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở; nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà ở theo quy định của pháp luật về dân sự; nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở từ những người thuộc hàng thừa kế theo quy định của pháp luật về dân sự;

    Theo quy định thì người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà ở theo quy định của pháp luật về dân sự

    Lưu ý: Nếu người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được thừa kế quyền sử dụng đất theo quy định nêu trên thì sẽ được hưởng giá trị của phần thừa kế đó theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 37 Luật Đất đai 2024.

    Khi nhận được quyền sử dụng đất thừa kế thì có cần đăng ký đất đai không?

    Theo quy định tại Điều 31 Luật Đất đai 2024 về nghĩa vụ của người sử dụng đất như sau:

    Nghĩa vụ chung của người sử dụng đất
    1. Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân thủ quy định khác của pháp luật có liên quan.
    2. Thực hiện kê khai đăng ký đất đai; thực hiện đầy đủ thủ tục khi chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
    3. Thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định của pháp luật.
    4. Thực hiện biện pháp bảo vệ đất; xử lý, cải tạo và phục hồi đất đối với khu vực đất bị ô nhiễm, thoái hóa do mình gây ra.
    5. Tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến tài sản và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có liên quan.
    6. Tuân thủ quy định của pháp luật về việc tìm thấy vật trong lòng đất.
    7. Bàn giao lại đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất theo quy định của pháp luật.

    Theo đó, người sử dụng đất sau khi nhận quyền sử dụng đất thông qua quyền thừa kế thì phải thực hiện kê khai đăng ký đất đai và thực hiện đầy đủ các thủ tục về thừa kế quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật.

    47
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ