Chỉ tiêu phát triển đô thị, nông thôn đến năm 2030 là gì?
Nội dung chính
Chỉ tiêu phát triển đô thị, nông thôn đến năm 2030 là gì?
Ngày 22/08/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 891/QĐ-TTg năm 2024 về việc phê duyệt quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Căn cứ điểm a, khoản 3 Điều 1 Quyết định 891/QĐ-TTg năm 2024, chỉ tiêu phát triển đô thị, nông thôn thời kỳ đến năm 2030 được xác định như sau:
- Hệ thống đô thị: Tỷ lệ đô thị hóa năm 2030 đạt trên 50%; năm 2050 đạt 70%; số lượng đô thị toàn quốc khoảng 1.000 - 1.200 đô thị; hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN; kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 85%; xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 03 - 05 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế vào năm 2030.
Dân số đô thị tăng trung bình 3,37 - 4,13%/năm trong giai đoạn 2025 - 2030; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,9 - 2,3%, phù hợp với đặc trưng sử dụng đất vùng miền.
- Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 16 - 26%; diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 8 - 10 m2; diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 32 m2; phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang, phổ cập dịch vụ mạng di động 5G, tỷ lệ dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%; tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch đảm bảo chất lượng nước sạch đạt 100%; tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý tại các đô thị loại II trở lên đạt 40 - 45%.
Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được xử lý bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp trên tổng lượng chất thải được thu gom đạt dưới 10%.
- Hệ thống nông thôn: Cả nước có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; phấn đấu cả nước có khoảng 70% số huyện, thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; trong đó 35% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới kiểu mẫu; phấn đấu 100% huyện có đô thị.
Phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa, gồm: Trung tâm Văn hóa hoặc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật, bảo tàng, thư viện; 100% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao.
Chỉ tiêu phát triển đô thị, nông thôn đến năm 2030 là gì? (Hình từ Internet)
Định hướng phát triển chung của hệ thống đô thị, nông thôn Việt Nam như thế nào?
Căn cứ điểm b, khoản 3 Điều 1 Quyết định 891/QĐ-TTg năm 2024, định hướng phát triển chung hệ thống đô thị, nông thôn là:
- Phát triển hệ thống đô thị, nông thôn dựa trên đặc điểm lãnh thổ tự nhiên trên đất liền, biển, hải đảo; đặc điểm lịch sử, văn hóa, định cư và hiện trạng phân bố dân cư. Nâng cao chất lượng phát triển đô thị, nông thôn về kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng, nhà ở và môi trường sống của người dân.
Phát triển đô thị, nông thôn đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Lựa chọn các đô thị có lợi thế đặc biệt để xây dựng thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ... có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế.
Ưu tiên phát triển các đô thị gắn với các hành lang kinh tế thành các đô thị trung tâm phù hợp với chức năng của từng vùng, thúc đẩy lan tỏa phát triển.
Phát triển thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố khác trực thuộc trung ương trở thành các đô thị năng động, sáng tạo, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị, có vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị của khu vực Đông Nam Á và châu Á.
Quy hoạch đô thị lớn gắn với giao thông công cộng (TOD), chú trọng khai thác không gian ngầm, phát triển các đô thị vệ tinh giảm tải cho đô thị trung tâm.
- Phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới; phân bố hợp lý, đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng; dựa trên định hướng khung hạ tầng giao thông quốc gia, liên kết ngành lĩnh vực, đẩy nhanh tốc độ phát triển đô thị tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Phát triển đô thị vừa và nhỏ trong mối quan hệ chặt chẽ, chia sẻ chức năng với các đô thị lớn, giảm dần khoảng cách phát triển giữa các đô thị. Chú trọng phát triển các đô thị nhỏ, vùng ven đô để hỗ trợ phát triển nông thôn thông qua các mối liên kết đô thị, nông thôn.
Phát triển các mô hình đô thị đặc thù như đô thị chuyên ngành là trung tâm quốc gia hoặc cấp vùng về văn hóa, di sản, du lịch, đại học, sáng tạo, khoa học, kinh tế cửa khẩu; đô thị biên giới, biển đảo.
Phát triển đô thị có chức năng tổng hợp theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu; kết hợp phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Hình thành mạng lưới đô thị thông minh kết nối với khu vực và thế giới.
Phát triển hệ thống đô thị ven biển và hải đảo theo hướng bền vững, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên. Chú trọng phát triển đô thị trên cơ sở bảo tồn, phát huy các yếu tố di tích lịch sử, di sản văn hóa.
Phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa. Đảm bảo tính đồng bộ, kết nối, chia sẻ của mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao trên từng địa bàn đô thị, nông thôn.
- Phát triển mạng lưới khu dân cư nông thôn là hạt nhân quan trọng của khu vực nông thôn, được quy hoạch gắn với bảo vệ tài nguyên tự nhiên, văn hóa truyền thống; phù hợp với các vùng sinh thái nông nghiệp; đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước.
Quy hoạch lấy cư dân nông thôn là chủ thể, trung tâm và được hưởng lợi chính từ thành quả của các hoạt động phát triển nông thôn, tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận các điều kiện phát triển và hưởng thụ phúc lợi xã hội. Xây dựng nông thôn mới phát huy lợi thế, tiềm năng từng vùng miền, gắn kết chặt chẽ với quá trình đô thị hóa.
Phát triển khu dân cư nông thôn kết nối với đô thị vừa và nhỏ cấp huyện, cấp tỉnh, cấp vùng; chú trọng đô thị hóa nông thôn và quản lý phát triển vùng nông thôn ven đô bền vững; phát triển kinh tế nông thôn xanh, đa dạng, chủ động tạo sinh kế nông thôn từ hoạt động phi nông nghiệp; hiện đại hóa hạ tầng và dịch vụ đồng bộ, đáp ứng cơ bản đời sống của người dân nông thôn tiến dần chất lượng đô thị.
- Về yêu cầu sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã: Phát triển hệ thống đô thị, nông thôn đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, phù hợp các tiêu chuẩn về đơn vị hành chính đô thị, đơn vị hành chính nông thôn theo quy định và các yêu cầu đặc thù khác.
Phạm vi ranh giới cụ thể của từng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải phù hợp với từng giai đoạn phát triển được xác định tại quy hoạch tỉnh.
Việc quản lý và sử dụng đất đô thị phải đảm bảo những nguyên tắc nào?
Điều 61 Luật Quy hoạch đô thị 2009 quy định:
Nguyên tắc quản lý và sử dụng đất đô thị
1. Các loại đất trong đô thị phải được sử dụng đúng mục đích, chức năng được xác định trong đồ án quy hoạch đô thị đã được phê duyệt.
2. Việc quản lý đất đô thị phải tuân thủ các quy định của Luật này, pháp luật về đất đai và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Như vậy, việc quản lý và sử dụng đất đô thị phải đảm bảo 02 nguyên tắc trên.