Các trường hợp không được tách thửa đất: Điều kiện tách thửa đất là gì?

Chuyên viên pháp lý Nguyễn Mai Bảo Ngọc
Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Các trường hợp không được tách thửa đất: Điều kiện tách thửa đất là gì? Hồ sơ tách thửa đất bao gồm những gì? Nơi nộp hồ sơ tách thửa đất ở đâu?

Nội dung chính

    Các trường hợp không được tách thửa đất: Điều kiện tách thửa đất là gì?

    Có thể hiểu các trường hợp không được tách thửa đất là các trường hợp không được phân chia quyền sử dụng đất từ người đứng tên trong sổ đỏ cho một hoặc nhiều người khác.

    Hiện nay, không có quy định pháp luật nào quy định về các trường hợp không được tách thửa đất. Tuy nhiên căn cứ theo Điều 220 Luật Đất đai 2024 quy định việc tách thửa đất phải đảm bảo đáp ứng các nguyên tắc, điều kiện cụ thể như sau:

    (1) Thửa đất đã được cấp một trong các loại giấy chứng nhận: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;

    (2) Thửa đất còn trong thời hạn sử dụng đất;

    (3) Đất không có tranh chấp, không bị kê biên để bảo đảm thi hành án, không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

    - Trường hợp đất có tranh chấp nhưng xác định được phạm vi diện tích, ranh giới đang tranh chấp thì phần diện tích, ranh giới còn lại không tranh chấp của thửa đất đó được phép tách thửa đất, hợp thửa đất;

    (4) Việc tách thửa đất phải bảo đảm có lối đi; được kết nối với đường giao thông công cộng hiện có; bảo đảm cấp nước, thoát nước và nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý.

    - Trường hợp người sử dụng đất dành một phần diện tích của thửa đất ở hoặc thửa đất có đất ở và đất khác trong cùng thửa đất để làm lối đi, khi thực hiện việc tách thửa đất thì không phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích đất để làm lối đi đó.

    (5) Các thửa đất sau khi tách thửa phải bảo đảm diện tích tối thiểu với loại đất đang sử dụng theo quy định của UBND cấp tỉnh;

    - Trường hợp thửa đất được tách có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa thì phải thực hiện đồng thời việc hợp thửa với thửa đất liền kề;

    (6) Trường hợp chuyển mục đích sử dụng một phần thửa đất thì thực hiện tách thửa, diện tích tối thiểu của thửa đất sau khi tách phải bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu của loại đất sau khi chuyển mục đích sử dụng.

    - Đối với thửa đất có đất ở và đất khác thì không bắt buộc thực hiện tách thửa khi chuyển mục đích sử dụng một phần thửa đất, trừ trường hợp người sử dụng đất có nhu cầu tách thửa;

    (7) Trường hợp phân chia quyền sử dụng đất theo bản án, quyết định của Tòa án mà việc phân chia không bảo đảm các điều kiện, diện tích, kích thước tách thửa theo quy định thì không thực hiện tách thửa.

    - Đồng thời UBND cấp tỉnh căn cứ những quy định trên và quy định khác của pháp luật có liên quan và phong tục, tập quán tại địa phương để quy định cụ thể điều kiện, diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất đối với từng loại đất.

    Như vậy, luật không quy định các trường hợp không được tách thửa đất. Nhưng việc tách thửa đất phải đảm bảo đáp ứng những nguyên tắc, điều kiện nêu trên.

    Các trường hợp không được tách thửa đất: Điều kiện tách thửa đất là gì?Các trường hợp không được tách thửa đất: Điều kiện tách thửa đất là gì? (Hình từ Internet)

    Hồ sơ tách thửa đất bao gồm những gì?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 7 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định:

    Trình tự, thủ tục tách thửa đất, hợp thửa đất
    1. Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 21 của Nghị định này, hồ sơ bao gồm:
    a) Đơn đề nghị tách thửa đất, hợp thửa đất theo Mẫu số 01/ĐK ban hành kèm theo Nghị định này;
    b) Bản vẽ tách thửa đất, hợp thửa đất lập theo Mẫu số 02/ĐK ban hành kèm theo Nghị định này do Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện hoặc do đơn vị đo đạc có Giấy phép về hoạt động đo đạc, thành lập bản đồ địa chính thực hiện;
    c) Giấy chứng nhận đã cấp hoặc bản sao Giấy chứng nhận đã cấp kèm bản gốc để đối chiếu hoặc nộp bản sao có công chứng, chứng thực;
    d) Các văn bản của cơ quan có thẩm quyền có thể hiện nội dung tách thửa đất, hợp thửa đất (nếu có).

    Như vậy, hồ sơ tách thửa đất bao gồm những hồ sơ sau:

    - Đơn đề nghị tách thửa đất, hợp thửa đất theo Mẫu số 01/ĐK ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP; tại đây

    - Bản vẽ tách thửa đất, hợp thửa đất lập theo Mẫu số 02/ĐK ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP do Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện hoặc do đơn vị đo đạc có Giấy phép về hoạt động đo đạc, thành lập bản đồ địa chính thực hiện; tại đây

    - Giấy chứng nhận đã cấp hoặc bản sao Giấy chứng nhận đã cấp kèm bản gốc để đối chiếu hoặc nộp bản sao có công chứng, chứng thực;

    - Các văn bản của cơ quan có thẩm quyền có thể hiện nội dung tách thửa đất, hợp thửa đất (nếu có).

    Nơi nộp hồ sơ tách thửa đất ở đâu?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 21 Nghị định 101/2024/NĐ-CP cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất như sau:

    - Bộ phận Một cửa theo quy định của UBND cấp tỉnh về thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

    - Văn phòng đăng ký đất đai.

    - Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

    Như vậy, sử dụng đất nộp hồ sơ tách thửa đất tại các cơ quan như quy định nêu trên.

    151
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ