Các hoạt động nào cần phải nộp phí bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật hiện hành?
Nội dung chính
Những hoạt động nào phải nộp phí bảo vệ môi trường?
Liên quan đến quy định về Luật bảo vệ môi trường. Cho tôi hỏi, những hoạt động nào sẽ phải nộp phí bảo vệ môi trường?
Trả lời:
Tại Khoản 2 Điều 136 Luật Bảo vệ môi trường 2020 có quy định về phí bảo vệ môi trường như sau:
- Phí bảo vệ môi trường áp dụng đối với hoạt động xả thải ra môi trường; khai thác khoáng sản hoặc làm phát sinh tác động xấu đối với môi trường; dịch vụ công thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí;
Như vậy, phí bảo vệ môi trường được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có các hoạt động xả thải, khai thác khoáng sản, các hoạt động phát sinh tác động xấu đối với môi trường, các dịch vụ công thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định.
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định mức phí bảo vệ môi trường được xác định trên cơ sở khối lượng, mức độ độc hại của chất ô nhiễm thải ra môi trường, đặc điểm của môi trường tiếp nhận chất thải; mức độ tác động xấu đến môi trường của hoạt động khai thác khoáng sản; tính chất dịch vụ công thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường;
Các hoạt động nào cần phải nộp phí bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật hiện hành? (Hình từ Internet)
Nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường?
Tôi muốn hỏi, quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường bao gồm những nội dung nào? Mong được hỗ trợ theo văn bản mới nhất.
Trả lời:
Theo Điều 164 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, cụ thể:
1. Ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; chương trình, đề án, dự án về bảo vệ môi trường.
2. Thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; cấp, cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, thu hồi giấy phép môi trường; đăng ký môi trường; cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận về môi trường.
3. Kiểm soát nguồn ô nhiễm; quản lý chất thải, chất lượng môi trường; cải tạo và phục hồi môi trường; bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.
4. Xây dựng, quản lý hệ thống quan trắc môi trường; tổ chức quan trắc môi trường.
5. Xây dựng, cập nhật hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường, báo cáo về môi trường.
6. Xây dựng và triển khai hệ thống giám sát và đánh giá các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu; hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
7. Kiểm kê khí nhà kính; xây dựng và cập nhật kịch bản, cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu, nước biển dâng và ngập lụt đô thị; đánh giá khí hậu quốc gia; hướng dẫn việc sử dụng thông tin, dữ liệu về biến đổi khí hậu và lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch.
8. Tổ chức thực hiện thị trường các-bon trong nước; thực hiện cơ chế trao đổi tín chỉ, cam kết quốc tế về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
9. Thanh tra, kiểm tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; xác định thiệt hại và yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường.
10. Truyền thông, giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức, ý thức về bảo vệ môi trường; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ quản lý về bảo vệ môi trường.
11. Tổ chức nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng chuyển giao công nghệ, hội nhập và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.
12. Bố trí kinh phí ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường theo phân cấp ngân sách hiện hành; thống kê, theo dõi và công bố các nguồn chi cho bảo vệ môi trường.
Những nội dung này là cơ sở để thực hiện các hoạt động quản lý và bảo vệ môi trường ở cấp độ quốc gia, đảm bảo phát triển bền vững và thích ứng với các vấn đề biến đổi khí hậu.
Chính phủ có trách nhiệm gì trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường?
Xin hỏi: Chính phủ có trách nhiệm gì trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường? Mong được hỗ trợ theo văn bản mới nhất.
Trả lời:
Theo Điều 165 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Chính phủ như sau:
- Thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong phạm vi cả nước; ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường.
- Quyết định chính sách về bảo vệ, cải thiện và giữ gìn môi trường; chỉ đạo tập trung giải quyết, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường ở các khu vực trọng điểm; kiểm soát ô nhiễm, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường; phát triển năng lượng sạch, sản xuất và tiêu dùng bền vững; phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường.
- Kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu quản lý; phân công, phân cấp thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; bố trí nguồn lực cho hoạt động bảo vệ môi trường; chỉ đạo nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ; hội nhập và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.
- Hằng năm, báo cáo Quốc hội về công tác bảo vệ môi trường.