Các doanh nghiệp VLXD có trách nhiệm gì đối với ngành nghề mà mình đang kinh doanh?

Chuyên viên pháp lý: Nguyễn Hoàng Nam
Tham vấn bởi Luật sư: Nguyễn Thụy Hân
Các doanh nghiệp VLXD có trách nhiệm gì trong công cuộc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng? Cơ chế chính sách phát triển ngành VLXD là gì?

Nội dung chính

    Các doanh nghiệp VLXD có trách nhiệm gì trong công cuộc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng?

    Căn cứ theo Tiểu mục 9 Mục III Chỉ thị 28/CT-TTg năm 2024 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng.

    Theo đó, các doanh nghiệp VLXD cần phải:

    - Đổi mới, áp dụng công nghệ sản xuất và phương thức quản lý hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm; rà soát, cắt giảm chi phí sản xuất đối với nguyên liệu, nhiên liệu than, dầu, khí đốt và điện; áp dụng các giải pháp nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng trong sản xuất, tận dụng các nguồn nhiên liệu giá rẻ từ phế thải để giảm chi phí sản xuất.

    - Đa dạng hoá sản phẩm VLXD, phù hợp các loại hình công trình xây dựng, điều kiện khí hậu, vùng miền khác nhau; tăng cường sản xuất các sản phẩm VLXD thay thế nhập khẩu đáp ứng nhu cầu thị trường; tìm kiếm, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm VLXD với nhiều nước trên thế giới.

    - Rà soát hệ thống đại lý bán hàng; cắt giảm các bộ phận, các khâu trung gian từ nhà máy sản xuất tới khách hàng tiêu thụ sản phẩm; tiết giảm các chi phí bán hàng phù hợp;

    - Cơ cấu lại nguồn vốn, tiết giảm chi phí để bảo đảm dòng tiền trả nợ ngân hàng và chi phí nguyên, nhiên liệu đầu vào, nhân công và các chi phí khác trong sản xuất; chủ động kế hoạch, lộ trình trả nợ để bảo đảm an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

    - Đầu tư nâng cấp, cải tạo chiều sâu đổi mới công nghệ, thiết bị để tiết giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; đầu tư các hệ thống nguồn điện tự dùng, điện mặt trời, phát điện tận dụng nhiệt dư trong sản xuất các sản phẩm VLXD, đặc biệt là trong các nhà máy sản xuất clanhke xi măng, để sử dụng cho sản xuất, giảm chi phí điện năng, giảm phát thải; đầu tư sử dụng rác thải thay thế nhiên liệu đốt, sử dụng phế thải công nghiệp thay thế nguyên liệu tài nguyên thiên nhiên để giảm chi phí nguyên, nhiên liệu trong sản xuất; đầu tư các trạm nghiền xi măng tại khu vực miền Trung, các vùng thuận tiện về giao thông, cảng biển, có nguồn khoáng sản phụ gia làm xi măng, có nguồn thải tro, xỉ, thạch cao và các nguồn thải công nghiệp phù hợp khác.

    - Kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện về Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, các Hiệp hội để có giải pháp, đề xuất tháo gỡ.

    Các doanh nghiệp VLXD có trách nhiệm gì đối với ngành nghề mà mình đang kinh doanh?

    Các doanh nghiệp VLXD có trách nhiệm gì đối với ngành nghề mà mình đang kinh doanh? (Hình từ Internet)

    Cơ chế chính sách phát triển ngành VLXD là gì?

    Căn cứ theo Tiểu mục 1 Mục II Chỉ thị 28/CT-TTg năm 2024:

    Cơ chế chính sách phát triển ngành:

    - Rà soát các cơ chế, chính sách, thể chế để khuyến khích đầu tư phát triển ngành VLXD nhanh và bền vững, phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

    Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất cho vay cho các khách hàng, trong đó có doanh nghiệp trong ngành VLXD theo quy định pháp luật. Ban hành các chính sách ưu đãi về sử dụng rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, phế thải một số ngành công nghiệp như tro xỉ, thạch cao,... làm nhiên liệu, nguyên liệu thay thế trong sản xuất xi măng và các VLXD khác. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực VLXD nhất là trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ xi măng, thép xây dựng.

    - Nghiên cứu điều chỉnh chính sách thuế về xuất khẩu sản phẩm clanhke xi măng để bảo đảm tính cạnh tranh với các nước cùng xuất khẩu mặt hàng này, đồng thời phù hợp với Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) về việc không đánh thuế xuất khẩu hàng hoá với các nước ký Hiệp định. Tăng cường các biện pháp về phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật, chống bán phá giá đối với các sản phẩm sắt thép, các sản phẩm VLXD như gạch ốp lát nhập khẩu, ván sợi gỗ (LDF/MDF/HDF), sứ vệ sinh, kính xây dựng... nhằm loại bỏ các hành vi cạnh tranh không công bằng và bảo đảm phù hợp với những quy định của Việt Nam và WTO.

    Sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng bao gồm những gì?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 10/2024/TT-BXD và Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 10/2024/TT-BXD:

    Sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng bao gồm:

    TTSản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng
     1 Xi măng và Clanhke
     2 Gạch ốp, lát
     3 Đá ốp, lát
     4 Sứ vệ sinh
     5 Kính xây dựng
     6 Vôi
     7 Thạch cao
     8 Vật liệu chịu lửa
     9 Đá xây dựng
     10 Cát, sỏi xây dựng
     11 Vật liệu xây
     12 Vật liệu lợp
     13 Bê tông và cấu kiện bê tông
     14 Vữa
     15 Phụ gia cho xi măng, bê tông và vữa
     16 Sơn xây dựng và các vật liệu hoàn thiện
    17Tấm trần, vách ngăn
    18Sợi, tấm sợi, thanh sợi sử dụng trong công trình xây dựng
    19Ống cấp, thoát nước
    20Vật liệu san lấp và vật liệu đắp
    21Vật liệu xây dựng gốc kim loại
     22 Vật liệu xây dựng từ gỗ và các thực vật khác
     23 Vật liệu xây dựng gốc hữu cơ
     24 Vật liệu xây dựng từ phế thải
     25 Các sản phẩm, hàng hóa trung gian để tạo nên vật liệu xây dựng
     26 Các loại sản phẩm, hàng hóa khác được sử dụng để tạo nên công trình xây dựng, trừ các trang thiết bị điện và thiết bị công nghệ

     

    17
    Quản lý: Công ty TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số ..., do ... cấp ngày ... (dự kiến) Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ