Cá nhân tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở xã hội để cho thuê được vay vốn ưu đãi như thế nào?

Cá nhân tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở xã hội để cho thuê được vay vốn ưu đãi như thế nào?

Nội dung chính

    Cá nhân tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở xã hội để cho thuê được vay vốn ưu đãi như thế nào?

    Căn cứ theo Điều 26 Nghị định 100/2024/NĐ-CP quy định cá nhân tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở để đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội thuê theo quy định tại khoản 4 Điều 85 Luật Nhà ở 2023 thì được vay vốn ưu đãi theo quy định sau:

    (1) Điều kiện được vay vốn

    - Có khả năng trả nợ theo cam kết với tổ chức tín dụng cho vay vốn;

    - Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với công trình nhà ở cần xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa;

    - Có phương án sử dụng vốn, có giấy phép xây dựng đối với trường hợp yêu cầu phải có giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.

    + Trường hợp có giấy phép xây dựng có thời hạn theo quy định của pháp luật thì được xem xét cho vay vốn phù hợp với thời hạn được tồn tại của công trình;

    - Thực hiện bảo đảm tiền vay bằng giá trị quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở hoặc tài sản khác theo quy định của pháp luật.

    (2) Mức vốn vay:

    - Mức cho vay tối đa bằng 70% tổng mức đầu tư dự án hoặc phương án sử dụng vốn và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.

    (3) Thời hạn vay:

    - Thời hạn cho vay tối đa không quá 20 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên.

    (4) Lãi suất vay:

    - Lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội bằng lãi suất cho vay đối với đối tượng vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để mua, thuê mua nhà ở xã hội quy định trong từng thời kỳ. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay;

    - Lãi suất cho vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận.

    (5) Cá nhân tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở để đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội thuê theo quy định tại khoản 4 Điều 85 Luật Nhà ở 2023 thì được vay vốn ưu đãi đáp ứng các quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định 100/2024/NĐ-CP và phải lập dự án đầu tư.

    - Không được kinh doanh sản phẩm nhà ở xã hội dưới hình thức mua bán.

    - Trong quá trình triển khai, phải báo cáo về cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh theo định kỳ 03 tháng.

    Bên cạnh đó, căn cứ theo khoản 4 Điều 85 Luật Nhà ở 2023 quy định như sau:

    Ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua, cho thuê

    ...

    2. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không bằng vốn quy định tại khoản 1 Điều này được hưởng các ưu đãi sau đây:

    ...

    đ) Được vay vốn với lãi suất ưu đãi; trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được vay vốn với lãi suất thấp hơn và thời gian vay dài hơn so với trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua theo quy định của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ;

    ...

    4. Cá nhân được vay vốn ưu đãi theo quy định tại khoản 2 Điều này để tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở để đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội thuê.

    Như vậy, cá nhân được vay vốn ưu đãi để tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở xã hội để cho thuê dựa theo quy định như trên.

    Cá nhân tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở xã hội để cho thuê được vay vốn ưu đãi như thế nào?

    Cá nhân tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở xã hội để cho thuê được vay vốn ưu đãi như thế nào? (Hình từ Internet)

    Việc cho thuê nhà ở xã hội thực hiện ra sao?

    Căn cứ theo khoản 3 Điều 89 Luật Nhà ở 2023 quy định việc cho thuê nhà ở xã hội được thực hiện như sau:

    (1) Việc cho thuê nhà ở xã hội có sẵn chỉ được thực hiện khi bảo đảm quy định tại khoản 4 hoặc khoản 5 Điều 88 Luật Nhà ở 2023;

    (2) Việc cho thuê nhà ở xã hội phải được lập thành hợp đồng có các nội dung quy định tại Điều 163 Luật Nhà ở 2023;

    (3) Không được ký hợp đồng thuê nhà ở xã hội hình thành trong tương lai.

    - Trường hợp nhà ở có đủ điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều 88 Luật Nhà ở 2023 thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ được ký hợp đồng đặt cọc và thu tiền đặt cọc thuê nhà ở tối đa bằng 12 tháng tiền thuê nhà tạm tính;

    + Việc ký hợp đồng đặt cọc thuê nhà ở phải bảo đảm đúng đối tượng và điều kiện được thuê nhà ở xã hội quy định Luật Nhà ở 2023;

    + Sau khi nhà ở có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 4 Điều 88 Luật Nhà ở 2023 thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được ký hợp đồng thuê nhà ở với người thuê.

    Như vậy, việc cho thuê nhà ở xã hội được thực hiện dựa theo quy định như trên.

    Nguyên tắc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội là gì?

    Căn cứ theo Điều 79 Luật Nhà ở 2023 quy định việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

    - Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở;

    - Có sự kết hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, dòng họ và đối tượng được hỗ trợ trong việc thực hiện chính sách;

    - Bảo đảm công khai, minh bạch, có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cộng đồng dân cư và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

    - Bảo đảm đúng đối tượng, đủ điều kiện theo quy định Luật Nhà ở 2023;

    - Trường hợp một đối tượng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau thì được hưởng một chính sách hỗ trợ mức cao nhất;

    + Trường hợp các đối tượng có cùng tiêu chuẩn và điều kiện thì thực hiện hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên trước đối với: người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ, người khuyết tật, người được bố trí tái định cư theo hình thức mua, thuê mua nhà ở xã hội, nữ giới;

    - Trường hợp hộ gia đình có nhiều đối tượng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ thì chỉ áp dụng một chính sách hỗ trợ cho cả hộ gia đình.

    Như vậy, việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội phải bảo đảm các nguyên tắc theo quy định như trên.

    11