Bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

Bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở trên địa bàn tỉnh Bình Thuận theo Quyết định 43/2024/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Thuận

Nội dung chính

    Bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

    Căn cứ Điều 16 Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận ban hành kèm theo Quyết định 43/2024/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Thuận, bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở trên địa bàn tỉnh Bình Thuận như sau:

    Việc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở được thực hiện theo quy định tại Điều 91, Điều 98, Điều 111 Luật Đất đai 2024, Điều 8, 9, 10, 11 Nghị định 88/2024/NĐ-CP. Trường hợp bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở thì được thực hiện như sau:

    (1) Điều kiện bồi thường bằng đất ở như sau:

    - Việc bồi thường bằng đất ở được thực hiện khi Nhà nước thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại của thửa đất thu hồi tại khoản 7 Điều 91 Luật Đất đai 2024 mà nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc không đảm bảo điều kiện để xây dựng lại nhà theo quy định của pháp luật về xây dựng mà hộ gia đình, cá nhân không còn đất ở, nhà ở nào khác trên địa bàn cấp xã nơi có đất thu hồi.

    - Diện tích bồi thường bằng đất ở thực hiện theo nguyên tắc bồi thường tương đương với diện tích đất ở thu hồi và tròn lô đất ở, tròn căn hộ tái định cư.

    (2) Việc bồi thường bằng đất ở cho hộ gia đình, cá nhân có đất ở thu hồi khi đáp ứng các điều kiện tại khoản (1) được giải quyết như sau:

    - Diện tích đất ở thu hồi dưới 40 m2 đất ở tại đô thị, dưới 60 m2 đất ở tại nông thôn thì bồi thường bằng căn hộ tái định cư. Trường hợp địa bàn cấp huyện không có căn hộ tái định cư thì bồi thường bằng một lô đất ở.

    - Diện tích đất ở thu hồi từ 40 m2 đến dưới 100 m2 đất ở tại đô thị, từ 60 m2 đến dưới 150 m2 đất ở tại nông thôn được bồi thường bằng một lô đất ở.

    - Diện tích đất ở thu hồi từ 100 m2 đất ở tại đô thị, từ 150 m2 đất ở tại nông thôn trở lên thì được bồi thường diện tích tương đương với diện tích đất ở thu hồi, nhưng không vượt quá diện tích đất ở thu hồi. Trường hợp diện tích đất ở sau khi bồi thường bằng đất ở mà diện tích còn lại chua tròn lô đất ở, nếu diện tích còn lại chiếm từ 50% trở lên của 01 lô đất ở thì được giao thêm một lô đất ở.

    (3) Trường hợp trong hộ gia đình có nhiều thế hệ hoặc có nhiều cặp vợ chồng cùng chung sống trên một thửa đất ở bị thu hồi nếu đủ điều kiện để tách thành từng hộ gia đình riêng theo quy định của pháp luật về cư trú hoặc có nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng 01 thửa đất ở bị thu hồi mà diện tích đất ở được bồi thường không đủ để giao riêng cho từng hộ gia đình thì được xem xét để giao đất ở có thu tiền sử dụng đất hoặc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở cho các hộ gia đình còn thiếu (gọi tắt là hộ ghép) như sau:

    - Diện tích đất ở thu hồi dưới 100 m2 đất ở tại đô thị, dưới 150 m2 đất ở tại nông thôn mà chỉ có 01 hộ ghép thì không giải quyết thêm đất ở; có từ 02 hộ ghép trở lên thì giao 01 lô đất ở (để giải quyết chung cho các hộ ghép).

    - Diện tích đất ở thu hồi từ 100 m2 tại đô thị, từ 150 m2 tại nông thôn trở lên mà số lượng hộ ghép nhỏ hơn hoặc bằng số lượng lô đất đã bồi thường cho hộ có đất thu hồi thì không giải quyết đất ở cho hộ ghép; trường hợp số lượng hộ ghép nhiều hơn số lượng lô đất đã bồi thường cho hộ có đất thu hồi thì giao 01 lô đất ở.

    (4) Đối với địa bàn cấp huyện có căn hộ tái định cư thì ưu tiên hoặc vận động người có đất thu hồi nhận bồi thường bằng căn hộ tái định cư.

    (5) Giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở; giá đất ở tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất được thực hiện như sau:

    - Giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, căn hộ do chủ đầu tư khu chung cư, nhà ở đề xuất và được cơ quan quản lý chuyên ngành xây dựng chủ trì thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

    - Giá đất ở tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất là giá đất theo Nghị định của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất.

    - Thời điểm xác định giá đất ở để tính thu tiền sử dụng đất:

    Đối với việc bồi thường đất ở, giải quyết tái định cư cho hộ có đất thu hồi là thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

    Đối với việc giải quyết đất ở cho hộ ghép là thời điểm có quyết định giao đất của cơ quan có thẩm quyền.

    Bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

    Bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở trên địa bàn tỉnh Bình Thuận (Hình từ Internet) 

    Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được quy định ra sao?

    Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được quy định theo khoản 9 Điều 18 Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận ban hành kèm theo Quyết định 43/2024/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Thuận, bao gồm:

    - Triển khai, tổ chức khảo sát kiểm đếm, thu thập tài liệu, lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để trình Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (viết tắt là Hội đồng), trình cơ quan thẩm định.

    - Giúp Hội đồng thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng về tính chính xác, hợp lý của số liệu kiểm kê, vị trí đất áp giá bồi thường, số liệu áp giá bồi thường đất đai và tài sản; thực hiện đầy đủ chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo kết luận của Hội đồng và theo quy định pháp luật.

    - Giúp Hội đồng hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của người sử dụng đất về những vấn đề liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Hội đồng để xem xét quyết định.

    - Rà soát quỹ đất tái định cư, quỹ nhà chung cư tại địa phương, liên hệ với đơn vị đang quản lý này để đề xuất chuẩn bị quỹ nhà, quỹ đất tái định cư thực hiện dự án.

    - Phối hợp với Hội đồng, chủ đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư và nhận bàn giao mặt bằng; trường hợp hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện nghĩa vụ tài chính nộp ngân sách nhà nước thì khấu trừ số tiền phải nộp ngân sách nhà nước vào tiền bồi thường, hỗ trợ và thay mặt hộ gia đình, cá nhân kê khai nộp tiền vào ngân sách nhà nước; thu và chuyển Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai để quản lý hoặc thực hiện chỉnh lý biến động theo quy định.

    - Bảo quản và lưu giữ hồ sơ bồi thường theo quy định.

    Dự toán chi phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ra sao?

    Đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có trách nhiệm lập dự toán chi phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của từng dự án theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định 88/2024/NĐ-CP sau đây:

    - Đối với các khoản chi đã có định mức, tiêu chuẩn, đơn giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì thực hiện theo quy định hiện hành;

    - Đối với các khoản chi chưa có định mức, tiêu chuẩn, đơn giá thì lập dự toán theo thực tế cho phù hợp với đặc điểm của từng dự án và thực tế ở địa phương;

    - Chi in ấn tài liệu, văn phòng phẩm, xăng xe, hậu cần phục vụ và các khoản phục vụ cho bộ máy quản lý được tính theo nhu cầu thực tế của từng dự án.

    10