Nhà máy đóng tàu Cam Ranh bị thu hồi đất 18 ha
Nội dung chính
Nhà máy đóng tàu Cam Ranh bị thu hồi đất 18ha
UBND tỉnh Khánh Hòa đã quyết định thu hồi 18 ha đất tại phường Cam Phú, TP Cam Ranh do Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh sử dụng. Khu đất này sẽ được giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Cam Ranh quản lý.
Việc thu hồi được thực hiện do dự án đầu tư nâng cao năng lực Nhà máy Đóng tàu Cam Ranh (giai đoạn 2) đã được phê duyệt từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai. Khu đất có vị trí giáp biển, ngay trung tâm TP Cam Ranh, nhưng bị bỏ hoang trong thời gian dài, gây lãng phí.
Hiện tại, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh đang quản lý hai khu đất tại TP Cam Ranh với tổng diện tích hơn 45,5 ha. Trong đó, 39,5 ha đang được sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, còn hơn 6 ha chưa đầu tư.
Tháng 11-2024, TAND tỉnh Khánh Hòa đã mở thủ tục phá sản đối với Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh theo đề xuất trong kế hoạch xử lý của Chính phủ. Tòa án yêu cầu các chủ nợ gửi hồ sơ yêu cầu thanh toán trong vòng 30 ngày kể từ ngày 25-11.
Doanh nghiệp này đang nợ bảo hiểm xã hội hàng chục tỉ đồng và nợ lương công nhân hàng trăm triệu đồng. Năm 2023, giá trị sản xuất đạt 8,8 tỉ đồng, lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh chỉ 858 triệu đồng, nhưng tính tổng lợi nhuận trước thuế, doanh nghiệp lỗ 66,5 tỉ đồng.
Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC), tiền thân là Tập đoàn Vinashin. Sau khi Vinashin bị phát hiện sai phạm nghiêm trọng vào năm 2010, tập đoàn này được tái cơ cấu thành SBIC vào năm 2013. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh vẫn kém hiệu quả.
Tháng 12-2023, Chính phủ ban hành nghị quyết về xử lý SBIC, trong đó có phương án phá sản công ty mẹ SBIC và bảy công ty con, bao gồm Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh. Việc thực hiện các thủ tục phá sản đối với các doanh nghiệp này dự kiến diễn ra trong quý I-2024.
Nhà máy đóng tàu Cam Ranh bị thu hồi đất 18 ha (Hình ảnh từ Internet)
Việc thu hồi đất khi chấm dứt dự án đầu tư phải dựa trên gì?
Căn cứ vào khoản 5 Điều 82 Luật Đất đai 2024, quy định về thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người, không còn khả năng tiếp tục sử dụng như sau:
Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người, không còn khả năng tiếp tục sử dụng
...
5. Việc thu hồi đất trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này phải dựa trên căn cứ sau đây:
a) Văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết đã có hiệu lực pháp luật đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Giấy chứng tử hoặc quyết định tuyên bố một người là đã chết theo quy định của pháp luật đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
c) Quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
d) Văn bản chấm dứt dự án đầu tư đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;
đ) Văn bản thu hồi rừng đối với trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này;
e) Văn bản trả lại đất của người sử dụng đất đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này;
g) Văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định mức độ ô nhiễm môi trường, sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
....
Như vậy, theo quy định nêu trên, việc thu hồi đất khi chấm dứt dự án đầu tư phải dựa trên văn bản chấm dứt dự án đầu tư.
Tiền đền bù, hỗ trợ doanh nghiệp khi bị Nhà nước thu hồi đất có phải nộp thuế GTGT không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định như sau:
Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT
1. Tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền (bao gồm cả tiền bồi thường về đất và tài sản trên đất khi bị thu hồi đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.
Cơ sở kinh doanh khi nhận khoản tiền thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ nhận được, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác thì lập chứng từ thu theo quy định. Đối với cơ sở kinh doanh chi tiền, căn cứ mục đích chi để lập chứng từ chi tiền.
Trường hợp bồi thường bằng hàng hóa, dịch vụ, cơ sở bồi thường phải lập hóa đơn và kê khai, tính, nộp thuế GTGT như đối với bán hàng hóa, dịch vụ; cơ sở nhận bồi thường kê khai, khấu trừ theo quy định.
Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận tiền của tổ chức, cá nhân để thực hiện dịch vụ cho tổ chức, cá nhân như sửa chữa, bảo hành, khuyến mại, quảng cáo thì phải kê khai, nộp thuế theo quy định.
Theo như quy định trên thì tiền đền bù, hỗ trợ mà doanh nghiệp nhận khi bị Nhà nước thu hồi đất (bao gồm tiền bồi thường về đất và tài sản trên đất) không phải kê khai, tính và nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT). Do đó, doanh nghiệp không cần phải nộp thuế GTGT đối với khoản tiền đền bù, hỗ trợ nhận được.