Bỏ yêu cầu xác nhận tranh chấp, nguồn gốc đất khi làm sổ đỏ lần đầu
Nội dung chính
Bỏ yêu cầu xác nhận tranh chấp, nguồn gốc đất khi làm sổ đỏ lần đầu
Theo Nghị định 151/2025/NĐ-CP, từ ngày 01/7/2025, trình tự cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) được đơn giản hóa đáng kể:
- Không còn yêu cầu xác nhận của UBND cấp xã về nguồn gốc đất, tình trạng tranh chấp hay sự phù hợp quy hoạch khi cấp sổ đỏ lần đầu.
- Bỏ nhiều bước trung gian, như: thành lập Hội đồng đăng ký đất đai, ký hợp đồng thuê đất, xác định giá đất trong một số thủ tục biến động đất đai.
- Cắt giảm 165 ngày xử lý thủ tục hành chính, bãi bỏ 11/66 thủ tục và 8 loại giấy tờ, trong đó có giấy xác nhận nhà ở, công trình đủ điều kiện tồn tại.
- Người dân được lựa chọn nơi nộp hồ sơ tại bất kỳ điểm tiếp nhận nào trong phạm vi tỉnh, không cần chỉnh lý hồ sơ sau sắp xếp đơn vị hành chính.
Quy định mới giúp tăng tính chủ động cho UBND cấp xã, hạn chế đùn đẩy trách nhiệm và rút ngắn thời gian cấp sổ đỏ cho người dân.
Đơn cử như thủ tục cấp Sổ đỏ lần đầu. Căn cứ theo quy định tại Phần V Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 151/2025/NĐ-CP:
V. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầu
1. Đối với tổ chức sử dụng đất theo hình thức quy định tại Điều 118 và khoản 3 Điều 120 Luật Đất đai hoặc trường hợp quy định tại Điều 119 và khoản 2 Điều 120 Luật Đất đai mà được miễn toàn bộ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho cả thời hạn thuê theo quy định của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;
2. Đối với cá nhân, cộng đồng dân cư, hộ gia đình đang sử dụng đất và người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận thừa kế quyền sử dụng đất:
Sau khi nhận được thông báo của cơ quan thuế về việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;
b) Trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất;
c) Chuyển hồ sơ kèm theo bản sao Giấy chứng nhận đã cấp đến Văn phòng đăng ký đất đai để lập, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
3. Đối với tổ chức đang sử dụng đất theo hình thức quy định tại Điều 119, khoản 2 Điều 120 Luật Đất đai mà không thuộc trường hợp được miễn toàn bộ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho cả thời hạn thuê theo quy định của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất:
Sau khi nhận được thông báo của cơ quan thuế về việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính, cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh thực hiện:
a) Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;
b) Trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; lập, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
4. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài đã có Thông báo xác nhận kết quả đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất mà có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì thực hiện như sau:
a) Người sử dụng đất nộp Thông báo xác nhận kết quả đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất và Đơn đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 15 ban hành kèm theo Nghị định này đến Bộ phận Một cửa. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ chuyển hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất;
b) Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tổ chức thực hiện như sau:
Trường hợp Thông báo xác nhận kết quả đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất thể hiện đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất không thuộc trường hợp quy định tại điểm đ và e khoản 1 Điều 151 Luật Đất đai thì cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp xã gửi Phiếu chuyển thông tin để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai theo Mẫu số 19 ban hành kèm theo Nghị định này đến cơ quan thuế để cơ quan thuế xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Trường hợp Thông báo xác nhận kết quả đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất không thể hiện đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp xã thực hiện các công việc quy định tại các điểm b, c, d, đ, e và g Mục 3 Phần II của “Phần C. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐĂNG KÝ ĐẤT ĐAI, TÀI SẢN GẮN LIỀN VỚI ĐẤT”.
c) Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện công việc quy định tại Mục 1 Phần V này.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 4 Điều 18 Nghị định 151/2025/NĐ-CP:
Điều 18. Quy định liên quan đến thủ tục, hồ sơ đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, hồ sơ địa chính
...
4. Ủy ban nhân dân cấp xã khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại các Điều 137, 138, 139 và 140 Luật Đất đai không phải thực hiện riêng việc xác nhận về sự phù hợp với quy hoạch, không tranh chấp, đất sử dụng ổn định.
Như vậy, có thể thấy, đã bỏ yêu cầu xác nhận tranh chấp, nguồn gốc đất khi làm sổ đỏ lần đầu tại các Điều 137, 138, 139 và 140 Luật Đất đai 2024 từ 01/7/2025
Trên đây là nội dung về Bỏ yêu cầu xác nhận tranh chấp, nguồn gốc đất khi làm sổ đỏ lần đầu
Bỏ yêu cầu xác nhận tranh chấp, nguồn gốc đất khi làm sổ đỏ lần đầu (Hình từ Internet)
Có được ủy quyền cho người khác làm Sổ đỏ không?
Căn cứ theo quy định Điều 135 Bộ luật Dân sự 2015:
Điều 135. Căn cứ xác lập quyền đại diện
Quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện (sau đây gọi là đại diện theo ủy quyền); theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là đại diện theo pháp luật).
Ủy quyền là việc một người (bên ủy quyền) giao cho người khác (bên được ủy quyền) thay mặt mình thực hiện công việc nhất định theo sự thỏa thuận của hai bên.
Do đó, trong trường hợp người sử dụng đất không thể trực tiếp thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (thường gọi là Sổ đỏ), họ hoàn toàn có thể ủy quyền cho người khác làm thay. Việc ủy quyền này được thể hiện bằng hợp đồng ủy quyền hoặc giấy ủy quyền.
Nội dung ủy quyền thường bao gồm các công việc như: ký hợp đồng công chứng, chuẩn bị và nộp hồ sơ đề nghị cấp Sổ đỏ, làm việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, và nhận kết quả sau khi hoàn tất thủ tục.
Về hình thức, pháp luật hiện hành không bắt buộc văn bản ủy quyền này phải được công chứng hoặc chứng thực. Tuy nhiên, trên thực tế, các bên nên thực hiện công chứng hoặc chứng thực để đảm bảo giá trị pháp lý, tránh tranh chấp, đồng thời tạo thuận lợi khi làm việc với cơ quan hành chính.
Tóm lại, được ủy quyền cho người khác làm Sổ đỏ.
Sổ đỏ có sai sót thì giải quyết như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 152 Luật Đất đai 2024:
Điều 152. Đính chính, thu hồi, hủy giấy chứng nhận đã cấp
1. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất quy định tại Điều 136 của Luật này có trách nhiệm đính chính giấy chứng nhận đã cấp có sai sót trong các trường hợp sau đây:
a) Có sai sót thông tin của người được cấp giấy chứng nhận so với thông tin tại thời điểm đính chính;
b) Có sai sót thông tin về thửa đất, tài sản gắn liền với đất so với hồ sơ kê khai đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất đã được tổ chức đăng ký đất đai kiểm tra xác nhận hoặc được thể hiện trong văn bản có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai.
Nếu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận sẽ có trách nhiệm đính chính. Việc đính chính được thực hiện trong các trường hợp sau:
- Sai sót thông tin cá nhân: Khi thông tin của người được cấp giấy chứng nhận không khớp với thông tin tại thời điểm thực hiện việc đính chính.
- Sai sót thông tin về đất hoặc tài sản trên đất: Khi có sự không chính xác giữa thông tin trên giấy chứng nhận với hồ sơ đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất đã được tổ chức đăng ký đất đai kiểm tra và xác nhận, hoặc với các văn bản có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến giải quyết tranh chấp đất đai.
Như vậy, khi phát hiện sai sót, người sử dụng đất có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành đính chính để đảm bảo tính chính xác và hợp pháp của Giấy chứng nhận. Việc này giúp bảo vệ quyền lợi của người sử dụng đất và tránh các tranh chấp phát sinh.