Anh em cùng mua đất có đứng tên chung trên Giấy chứng nhận được không?

Chuyên viên pháp lý: Nguyễn Xuân An Giang
Tham vấn bởi Luật sư: Phạm Thanh Hữu
Anh em cùng mua đất có đứng tên chung trên Giấy chứng nhận được không? Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất thì có thể cấp nhiều Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không?

Nội dung chính

Anh em cùng mua đất có đứng tên chung trên Giấy chứng nhận được không?

Căn cứ Điều 8 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT quy định như sau:

Điều 8. Thông tin về thửa đất
[...]
5. Thông tin về hình thức sử dụng đất được thể hiện như sau:
a) Thông tin về hình thức sử dụng đất gồm hình thức sử dụng chung và hình thức sử dụng riêng.
[...]
Hình thức sử dụng đất chung đối với trường hợp thửa đất thuộc quyền sử dụng chung của từ hai (02) người sử dụng đất trở lên như: nhiều cá nhân hoặc nhiều tổ chức hoặc của cá nhân và tổ chức, quyền sử dụng đất chung của vợ và chồng, quyền sử dụng đất của các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình;
[...]

Đồng thời, căn cứ Điều 32 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT quy định như sau:

Điều 32. Thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất
[...]
5. Trường hợp nhóm người sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất mà Giấy chứng nhận được cấp cho từng thành viên của nhóm thì trên mỗi Giấy chứng nhận ghi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại các khoản 1, 3 và 4 Điều này; tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất) với người khác”. Tại mã QR của Giấy chứng nhận thể hiện đầy đủ thông tin của những người có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Trường hợp nhóm người sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất mà cấp một Giấy chứng nhận cho người đại diện thì trên Giấy chứng nhận ghi thông tin của người đại diện theo quy định tại các khoản 1, 3 và 4 Điều này, dòng tiếp theo ghi “là đại diện cho những người cùng sử dụng đất” hoặc “là đại diện cho những người cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất” hoặc “là đại diện cho những người cùng sử dụng đất và cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất”. Tại mã QR của Giấy chứng nhận thể hiện đầy đủ thông tin của những người có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
[...]

Như vậy, anh em (hoặc nhóm người bất kỳ) cùng mua đất có thể đứng tên chung trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo đó, có thể lựa chọn:

- Cấp nhiều Giấy chứng nhận.

- Hoặc cấp 1 Giấy chứng nhận đứng tên người đại diện.

Anh em cùng mua đất có đứng tên chung trên Giấy chứng nhận được không?

Anh em cùng mua đất có đứng tên chung trên Giấy chứng nhận được không? (Hình từ Internet)

Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất thì có thể cấp nhiều Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không?

Căn cứ khoản 2 Điều 135 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:

Điều 135. Nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất
[...]
2. Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung tài sản gắn liền với đất thì cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; trường hợp những người có chung quyền sử dụng đất, chung quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất có yêu cầu thì cấp chung 01 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và trao cho người đại diện.
[...]

Theo đó, thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung tài sản gắn liền với đất thì cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Trường hợp những người có chung quyền sử dụng đất, chung quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất có yêu cầu thì cấp chung 01 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và trao cho người đại diện.

Như vậy, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các thửa đất với nhiều người chung quyền sử dụng đất có thể linh hoạt tùy theo nhu cầu và sự đồng thuận của các bên cũng như việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

Nếu không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyết định giải quyết tranh chấp thường dựa trên những yếu tố nào?

Căn cứ khoản 1 Điều 108 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 108. Căn cứ để giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp các bên tranh chấp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai
1. Tranh chấp đất đai trong trường hợp các bên tranh chấp không có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 Luật Đất đai thì việc giải quyết tranh chấp được thực hiện dựa theo các căn cứ sau:
a) Chứng cứ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất do các bên tranh chấp đất đai cung cấp;
b) Thực tế diện tích đất mà các bên tranh chấp đang sử dụng ngoài diện tích đất đang có tranh chấp và bình quân diện tích đất cho một nhân khẩu tại địa phương;
c) Sự phù hợp của hiện trạng sử dụng thửa đất đang có tranh chấp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
d) Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng;
đ) Quy định của pháp luật về giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất.
[...]

Như vậy, khi các bên tranh chấp đất đai không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các loại giấy tờ theo quy định tại Điều 137 Luật Đất đai 2024, việc giải quyết tranh chấp sẽ dựa vào các căn cứ như sau:

- Chứng cứ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất do các bên cung cấp.

- Thực tế diện tích đất các bên đang sử dụng, so với bình quân diện tích đất cho mỗi nhân khẩu tại địa phương.

- Sự phù hợp của hiện trạng sử dụng đất với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.

- Chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ.

- Quy định pháp luật liên quan đến giao đất, cho thuê đất, và công nhận quyền sử dụng đất.

saved-content
unsaved-content
63