Ai là người nộp phí công chứng hợp đồng mua bán đất?
Nội dung chính
Công chứng hợp đồng mua bán nhà đất được thực hiện ở đâu?
Theo khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai 2024 quy định hợp đồng chuyển nhượng đất (mua bán đất) bắt buộc công chứng hoặc chứng thực trừ trường hợp một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản.
Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 164 Luật Nhà ở 2023 quy định mua bán nhà ở thì phải thực hiện công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp mua bán nhà ở thuộc tài sản công hoặc mua bán nhà ở mà một bên là tổ chức, bao gồm: nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, nhà ở phục vụ tái định cư.
Từ các quy định trên, có thể kết luận rằng việc mua bán nhà ở phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ các trường hợp được pháp luật quy định là không bắt buộc.
Căn cứ Điều 44 Luật Công chứng 2014 quy định việc công chứng hợp đồng mua bán nhà đất phải được thực hiện tại trụ sở của Phòng công chứng/Văn phòng công chứng, trừ các trường hợp sau đây thì hợp đồng công chứng sẽ được thực hiện ngoài trụ sở của Phòng công chứng/Văn phòng công chứng.
- Người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được
- Người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù
- Có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
Như vậy, công chứng hợp đồng mua bán nhà đất thường được thực hiện tại Phòng công chứng/Văn phòng công chứng, trừ trường hợp người yêu cầu công chứng không thể đến trực tiếp Phòng công chứng/Văn phòng công chứng do già yếu, đang bị tạm giam, thi hành án phạt tù, hoặc có lý do chính đáng khác.
Lưu ý, tại Điều 42 Luật Công chứng 2014 quy định công chứng viên của Phòng công chứng/Văn phòng công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi cấp tỉnh nơi Phòng công chứng/Văn phòng công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản.
Ai là người nộp phí công chứng hợp đồng mua bán đất? (Hình từ Internet)
Hồ sơ công chứng hợp đồng mua bán nhà đất được quy định thế nào?
Căn cứ Điều 40 và Điều 41 Luật Công chứng 2014 thì các bên cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm các giấy tờ sau:
(1) Bên bán đất:
- Phiếu yêu cầu công chứng theo mẫu của Phòng công chứng/Văn phòng công chứng;
- Hợp đồng mua bán đất: Tự soạn thảo trước hoặc mẫu hợp đồng do Phòng công chứng/Văn phòng công chứng cung cấp.
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó (bản sao).
- Giấy tờ tùy thân: CMND hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc thẻ Căn cước hoặc Hộ chiếu (bản sao).
- Giấy xác nhận cư trú;
- Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân;
- Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng mua bán đất mà pháp luật quy định phải có;
- Giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền có công chứng/chứng thực (nếu bán thay người khác).
(2) Bên mua đất:
- Giấy tờ tùy thân: CMND hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc thẻ Căn cước hoặc Hộ chiếu (bản sao).
- Giấy xác nhận cư trú;
- Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân;
Ai là người nộp phí công chứng hợp đồng mua bán nhà đất?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Công chứng 2014 thì người yêu cầu công chứng hợp đồng mua bán phải nộp phí công chứng.
Đồng thời, tại Điều 2 Thông tư 257/2016/TT-BTC quy định tổ chức, cá nhân khi yêu cầu công chứng hợp đồng mua bán phải nộp phí công chứng.
Theo quy định trên, có thể thấy luật quy định người có yêu cầu công chứng hợp đồng mua bán phải nộp phí công chứng, tuy nhiên không có quy định nào cấm các bên có thể thỏa thuận về người nộp phí công chứng. Tức là, các bên trong hợp đồng mua bán có quyền tự thỏa thuận về người nộp phí công chứng.
Lưu ý:
- Công chứng hợp đồng mua bán đất: Tính trên giá trị quyền sử dụng đất.
- Công chứng hợp đồng mua bán đất có tài sản gắn liền với đất bao gồm nhà ở, công trình xây dựng trên đất: Tính trên tổng giá trị quyền sử dụng đất và giá trị tài sản gắn liền với đất, giá trị nhà ở, công trình xây dựng trên đất.