Ai chịu trách nhiệm trả phí giám định y khoa cho người bị tai nạn lao động?

Công ty tôi làm việc tổ chức diễn tập phòng cháy, chữa cháy và yêu cầu một số nhân viên tham gia. Trong buổi diễn tập, tôi bị ngã, gãy 2 chân. Tôi có hợp đồng lao động và đóng BHXH bắt buộc. Trong quá trình khám giám định tôi đã đóng một số lệ phí tại bệnh viện nơi tổ chức khám. Xin hỏi chi phí đó tôi có được thanh toán không? Cụ thể ai sẽ chịu trách nhiệm về những khoản chi này?

Nội dung chính

    Ai chịu trách nhiệm trả phí giám định y khoa cho người bị tai nạn lao động?

    Khoản 1, Điều 144 Bộ luật Lao động 2012 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: “Phải thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do BHYT chi trả đối với người lao động tham gia BHYT và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động tham gia BHYT”.

    Khoản 3, Điều 144 Bộ luật Lao động 2012 quy định, người sử dụng lao động phải “Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật này”.

    Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 (Luật BHXH năm 2014), Bộ Y tế được giao nhiệm vụ quy định Hồ sơ, trình tự khám giám định mức suy giảm khả năng lao động để giải quyết chế độ BHXH cho người lao động và Hội đồng giám định y khoa khám giám định và chịu trách nhiệm về tính chính xác của kết quả giám định của mình theo quy định của pháp luật.

    Để thực hiện nội dung này, Bộ Y tế hướng dẫn các đơn vị có chức năng giám định y khoa trực thuộc bao gồm (Hội đồng Giám định y khoa Trung ương; Phân Hội đồng Giám định y khoa Trung ương I và II; Hội đồng Giám định y khoa tỉnh, thành phố; Hội đồng Giám định y khoa các Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải; Viện Giám định y khoa - Bệnh viện Bạch Mai) việc giới thiệu người lao động đi khám giám định được thực hiện như sau:

    - “Người lao động được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động nếu thuộc trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 45 của Luật này và đang bảo lưu thời gian đóng BHXH; được thanh toán phí giám định y khoa nếu đủ Điều kiện để hưởng BHXH”, (Khoản 5 Điều 18 của Luật BHXH năm 2014);

    - Người sử dụng lao động có trách nhiệm “Giới thiệu người lao động thuộc đối tượng quy định tại Điểm a Khoản 1, Khoản 2 Điều 45 và Điều 55 của Luật này đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa” (Khoản 3 Điều 21 của Luật BHXH năm 2014);

    - Cơ quan BHXH không có trách nhiệm giới thiệu người lao động (bao gồm tất cả các đối tượng nêu trên) đến Hội đồng Giám định y khoa để giám định mức độ suy giảm khả năng lao động (Điều 23 của Luật BHXH năm 2014).

    Như vậy, trong Hồ sơ giám định được quy định tại Chương II Thông tư số 07/2010/TT-BYT ngày 05/4/2010 của Bộ Y tế, kể từ ngày 01/01/2016 không cần giấy giới thiệu của cơ quan BHXH. Các quy định khác về hồ sơ, quy trình giám định y khoa thực hiện theo quy định tại Thông tư số 07/2010/TT-BYT nêu trên.

    Việc đánh giá mức suy giảm khả năng lao động và phương pháp xác định áp dụng theo quy định của Thông tư số 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 27/9/2013 của liên bộ Y tế-Lao động-Thương binh và Xã hội quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích, bệnh, tật và bệnh nghề nghiệp.

    Theo quy định đối tượng nộp phí tại Điều 1, Thông tư số 93/2012/TT-BTC ngày 5/6/2012 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí giám định y khoa, “Người có yêu cầu giám định y khoa phải nộp phí giám định y khoa cho cơ sở thực hiện giám định y khoa theo quy định tại Thông tư này”.

    Việc người lao động phải đi giám định y khoa để xác định tỷ lệ thương tật là chuỗi hoạt động từ khi sơ cấp cứu, đến khi điều trị ổn định và người sử dụng lao động có trách nhiệm giới thiệu người lao động đi giám định y khoa để xác định tỷ lệ thương tật để làm căn cứ thực hiện chế độ bồi thường hoặc trợ cấp cho người lao động.

    Do vậy, theo quy định hiện hành, người sử dụng lao động phải chi trả chi phí giám định y khoa để xác định tỷ lệ thương tật lần đầu cho người lao động bị tai nạn lao động.

    230