05 loại đất trong nhóm đất chưa sử dụng theo Nghị định 102/2024/NĐ-CP?

05 loại đất trong nhóm đất chưa sử dụng theo Nghị định 102/2024/NĐ-CP? Xác định loại đất dựa trên những căn cứ nào? Đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng thực hiện như thế nào?

Nội dung chính

    05 loại đất trong nhóm đất chưa sử dụng theo Nghị định 102/2024/NĐ-CP?

    Căn cứ theo Điều 6 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết loại đất trong nhóm đất chưa sử dụng như sau:

    Nhóm đất chưa sử dụng là đất chưa xác định mục đích sử dụng và chưa giao, chưa cho thuê, cụ thể như sau:

    (1) Đất do Nhà nước thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai chưa giao, chưa cho thuê sử dụng mà giao Ủy ban nhân dân cấp xã, tổ chức phát triển quỹ đất quản lý;

    (2) Đất bằng chưa sử dụng là đất chưa sử dụng tại vùng bằng phẳng ở đồng bằng, thung lũng, cao nguyên;

    (3) Đất đồi núi chưa sử dụng là đất chưa sử dụng trên địa hình dốc thuộc vùng đồi, núi;

    (4) Đất núi đá không có rừng cây là đất chưa sử dụng ở dạng núi đá mà trên đó không có rừng cây;

    (5) Đất có mặt nước chưa sử dụng là đất có mặt nước chưa giao, chưa cho thuê, chưa xác định mục đích sử dụng đất quy định tại Điều 4 và Điều 5 Nghị định 102/2024/NĐ-CP.

    Như vậy, Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết 05 loại đất trong nhóm đất chưa sử dụng như trên.

    05 loại đất trong nhóm đất chưa sử dụng theo Nghị định 102/2024/NĐ-CP?

    05 loại đất trong nhóm đất chưa sử dụng theo Nghị định 102/2024/NĐ-CP? (Hình từ Internet)

    Xác định loại đất dựa trên những căn cứ nào?

    Căn cứ theo Điều 10 Luật Đất đai 2024 quy định xác định loại đất như sau:

    Xác định loại đất
    1. Việc xác định loại đất dựa trên một trong các căn cứ sau đây:
    a) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;
    b) Giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 137 của Luật này đối với trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận quy định tại điểm a khoản này;
    c) Quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận quy định tại điểm a khoản này.
    2. Đối với trường hợp không có giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này và trường hợp loại đất xác định trên giấy tờ đã cấp khác với phân loại đất theo quy định của Luật này hoặc khác với hiện trạng sử dụng đất thì việc xác định loại đất thực hiện theo quy định của Chính phủ.

    Như vậy, xác định loại đất được thực hiện theo như quy định trên.

    Đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng thực hiện như thế nào?

    Căn cứ theo Điều 222 Luật Đất đai 2024 quy định đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng được thực hiện như sau:

    (1) Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân các cấp có kế hoạch đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng.

    (2) Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư để đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

    (3) Đối với diện tích đất được quy hoạch sử dụng vào mục đích nông nghiệp thì ưu tiên giao cho cá nhân cư trú tại địa phương mà chưa được giao đất hoặc thiếu đất sản xuất.

    (4) Nhà nước có chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng đối với vùng biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng nhiều đất nhưng ít dân để thực hiện kế hoạch đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng; có chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất chưa sử dụng để đưa vào sử dụng.

    (5) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sử dụng nguồn kinh phí thu được từ nguồn thu khi cho phép chuyển mục đích đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích khác và nguồn kinh phí hợp pháp khác để phục vụ việc cải tạo, đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng.

    Như vậy, việc đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng được thực hiện theo như quy định trên.

    Thực hiện thủ tục hành chính về đất đai dựa theo nguyên tắc gì?

    Căn cứ theo Điều 224 Luật Đất đai 2024 quy định nguyên tắc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai như sau:

    (1) Bảo đảm sự bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch và có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, chính xác giữa các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

    (2) Bảo đảm phương thức thực hiện đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, lồng ghép trong việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của tổ chức, cá nhân và cơ quan có thẩm quyền góp phần cải cách thủ tục hành chính.

    (3) Tổ chức, cá nhân yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính về đất đai chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của nội dung kê khai và các giấy tờ trong hồ sơ đã nộp.

    (4) Các thủ tục hành chính về đất đai được thực hiện bằng hình thức trực tiếp, qua hệ thống bưu chính hoặc trên môi trường điện tử và có giá trị pháp lý như nhau.

    (5) Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính về đất đai chịu trách nhiệm thực hiện đúng thẩm quyền và thời gian theo quy định của pháp luật, không chịu trách nhiệm về những nội dung trong các văn bản, giấy tờ có trong hồ sơ đã được cơ quan, người có thẩm quyền khác chấp thuận, thẩm định, phê duyệt hoặc giải quyết trước đó.

    Như vậy, thủ tục hành chính về đất đai được thực hiện dựa theo những nguyên tắc như quy định trên.

    22