04 tiêu chí xác định nhà tạm, nhà dột nát
Nội dung chính
Nhà tạm, nhà dột nát là gì?
Theo Mục 9 Chương II Hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 ban hành kèm theo Quyết định 69/QĐ-BNN-VPĐP năm 2017 định nghĩa nhà tạm, nhà dột nát là loại nhà xây dựng bằng các vật liệu tạm thời, dễ cháy, dễ sập, có niên hạn sử dụng dưới 5 năm hoặc không đảm bảo “3 cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng), thiếu diện tích ở, bếp, nhà vệ sinh theo quy định, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
04 tiêu chí xác định nhà tạm, nhà dột nát (Hình từ Internet)
04 tiêu chí xác định nhà tạm, nhà dột nát theo Quyết định 55/QĐ-BXD
Tại Điều 1 Quyết định 55/QĐ-BXD năm 2025 quy định tiêu chí xác định nhà tạm, nhà dột nát được quy định như sau:
Nhà tạm, nhà dột nát là nhà ở được xây dựng trên đất ở không có tranh chấp, không thuộc trường hợp tại khoản 2 Điều 1 Quyết định 55/QĐ-BXD năm 2025 và đáp ứng một trong các tiêu chí sau:
(1) Về diện tích nhà ở
- Đối với hộ đơn thân thì có diện tích nhỏ hơn 18 m2.
- Đối với trường hợp hộ gia đình thì có diện tích nhỏ hơn 30 m2 và diện tích bình quân đầu người nhỏ hơn 8 m2.
(2) Về kết cấu nhà ở
Nhà ở có kết cấu không bền chắc là nhà ở có ít nhất hai trong ba kết cấu chính bao gồm nền - móng, khung - tường, mái được làm bằng vật liệu không bền chắc, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Kết cấu không bền chắc là kết cấu không thuộc các trường hợp sau:
- Nền - móng nhà được làm bằng các loại vật liệu có tác dụng làm tăng độ cứng của nền như: vữa xi măng - cát, bê tông, bê tông cốt thép, gạch, đá, gạch lát, gỗ.
- Khung - tường bao gồm hệ thống khung, cột, tường kể cả móng đỡ. Trong đó, khung, cột được làm từ các loại vật liệu: bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc; tường được xây bằng gạch, đá, hoặc làm từ gỗ bền chắc, kim loại.
- Mái gồm hệ thống đỡ mái và mái lợp. Trong đó, hệ thống đỡ mái được làm từ các loại vật liệu: bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc; mái được làm bằng bê tông cốt thép hoặc lợp ngói. Trường hợp mái bằng tôn lợp giả ngói, tôn lạnh, tôn cách nhiệt, tôn cán sóng và có kết cấu đỡ chắc chắn (khung sắt, thép, gỗ bền chắc) liên kết bền chặt với tường xây, cột bê tông cốt thép thì mái tôn trong trường hợp này được coi là vật liệu bền chắc.
(3) Về thời gian sử dụng: Nhà ở được xây dựng bằng vật liệu bền chắc có thời gian sử dụng từ 20 năm trở lên, chưa được cải tạo, sửa chữa, hiện đã xuống cấp, hư hỏng, không bảo đảm an toàn khi sử dụng.
(4) Đối với các tiêu chí khác (nếu có) như: Không gian chức năng (bếp, vệ sinh), hệ thống kỹ thuật trong nhà (cấp điện, cấp nước), an toàn cháy nổ... căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét, quyết định.
Tùy điều kiện thực tế, các bộ phận nhà ở quy định tại khoản 2 Điều 1 Quyết định 55/QĐ-BXD có thể làm bằng vật liệu địa phương có chất lượng tương đương do cơ quan chuyên môn của địa phương xác định chủng loại cụ thể và được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt hoặc ủy quyền cho Sở Xây dựng phê duyệt.
Lưu ý: Trường hợp nhà ở phải phá dỡ theo quy định tại điểm c và d khoản 1 Điều 136 Luật Nhà ở 2023 và điểm a, c, d và đ khoản 1 Điều 118 Luật Xây dựng 2014 (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 44 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020) thì không thuộc trường hợp xác định nhà tạm, nhà dột nát theo Quyết định 55/QĐ-BXD.
Đẩy nhanh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị 42/CT-TTg năm 2024 về việc đẩy nhanh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước.
Để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới là: “... bảo đảm 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng được chăm lo tốt về nhà ở”, cũng như mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới: “Các chỉ đạo chủ yếu đến năm 2030:... xoá bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc đạt khoảng 30m2 sàn/người”, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 42/CT-TTg năm 2024:
Trong đó nêu rõ phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành 03 nhiệm vụ: (i) Hỗ trợ nhà ở cho người có công; (ii) Hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các chương trình mục tiêu quốc gia; (iii) Xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân ngoài 2 nhóm hỗ trợ trên.
Như vậy, Chỉ thị 42/CT-TT năm 2024 yêu cầu đẩy nhanh việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc, phấn đấu hoàn thành trong năm 2025. Mục tiêu là xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, dột nát cho các hộ nghèo, cận nghèo và những người bị ảnh hưởng bởi thiên tai.