02 loại đất trồng lúa theo Luật Đất đai 2024

Chuyên viên pháp lý: Võ Trung Hiếu
Tham vấn bởi Luật sư: Phạm Thanh Hữu
02 loại đất trồng lúa theo Luật Đất đai 2024. Chuyển đất trồng lúa lên đất thổ cư có được hay không? Lên thổ cư đất trồng lúa phải đảm bảo điều kiện gì?

Nội dung chính

02 loại đất trồng lúa theo Luật Đất đai 2024

Căn cứ vào Điều 182 Luật Đất đai 2024 quy định về đất trồng lúa như sau:

Điều 182. Đất trồng lúa
1. Đất trồng lúa bao gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại. Đất chuyên trồng lúa là đất trồng từ 02 vụ lúa trở lên.
2. Nhà nước có chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại cho vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao; bảo vệ đất trồng lúa, hạn chế chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp.
3. Người sử dụng đất trồng lúa có trách nhiệm cải tạo, làm tăng độ phì của đất; không được chuyển sang sử dụng vào mục đích khác nếu không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
[...]

Theo đó, đất trồng lúa bao gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại. Đất chuyên trồng lúa là đất trồng từ 02 vụ lúa trở lên.

Nói cách khác, theo quy định hiện hành sẽ có 02 loại đất trồng lúa là:

- Đất chuyên trồng lúa

- Đất trồng lúa còn lại

Cụ thể hơn về điều này, khoản 1 Điều 3 Nghị định 112/2024/NĐ-CP hướng dẫn như sau:

Đất trồng lúa là đất trồng từ một vụ lúa trở lên hoặc trồng lúa kết hợp với các mục đích sử dụng đất khác được pháp luật cho phép nhưng trồng lúa là chính, đất trồng lúa bao gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại.

- Đất chuyên trồng lúa là đất trồng hai vụ lúa nước trở lên trong năm;

- Đất trồng lúa còn lại là đất trồng một vụ lúa nước trong năm và đất trồng lúa nương.

02 loại đất trồng lúa theo Luật Đất đai 2024

02 loại đất trồng lúa theo Luật Đất đai 2024 (Hình từ Internet)

Chuyển đất trồng lúa lên đất thổ cư có được hay không?

Căn cứ vào khoản 5 Điều 116 Luật Đất đai 2024 quy định về căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất như sau:

Điều 116. Căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất
[...]
5. Căn cứ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư, đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có đất ở sang đất ở hoặc chuyển mục đích sử dụng các loại đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân là quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Như vậy, chuyển đất trồng lúa lên đất thổ cư là điều được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, phải đảm bảo các điều kiện về:

- Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện;

- Quy hoạch chung;

- Hoặc quy hoạch phân khu đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Lên thổ cư đất trồng lúa phải đảm bảo điều kiện gì?

Luật Đất đai 2024 quy định việc chuyển mục đích sử dụng đất là quyền của người sử dụng đất theo quy định tại khoản 6 Điều 26 Luật Đất đai 2024.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp phải tuân thủ điều kiện nhất định của pháp luật.

Theo đó, việc lên thổ cư đất trồng lúa phải đảm bảo các vấn đề:

(1) Xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền

Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 121 Luật Đất đai 2024 quy định về chuyển mục đích sử dụng đất như sau:

Điều 121. Chuyển mục đích sử dụng đất
1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép bao gồm:
a) Chuyển đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp;
b) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;
c) Chuyển các loại đất khác sang đất chăn nuôi tập trung khi thực hiện dự án chăn nuôi tập trung quy mô lớn;
d) Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang loại đất phi nông nghiệp khác được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất;
đ) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;
e) Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh sang đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp;
g) Chuyển đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ.
[...]

Do vậy, lên thổ cư đất trồng lúa phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

(2) Tuân thủ trình tự, thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất

Vì lên thổ cư đất trồng lúa thuộc trường hợp phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép như đã phân tích tại (1) nên phải tuân theo trình tự, thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất tại Điều 227 Luật Đất đai 2024.

(3) Tiêu chí, điều kiện lên thổ cư đất trồng lúa nếu diện tích từ 02 ha trở lên

Trong trường hợp việc lên thổ cư đất trồng lúa từ 02 ha trở lên, còn phải đảm bảo các điều kiện theo khoản 1 Điều 46 Nghị định 102/2024/NĐ-CP, cụ thể:

- Có phương án sử dụng tầng đất mặt theo quy định của pháp luật về trồng trọt.

- Có đánh giá sơ bộ tác động môi trường hoặc đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

saved-content
unsaved-content
89