Mẫu nhận xét học bạ học sinh tiểu học cuối kỳ 2 theo Thông tư 27? Cách ghi học bạ học sinh tiểu học chi tiết nhất
Nội dung chính
Mẫu nhận xét học bạ học sinh tiểu học cuối kỳ 2 theo Thông tư 27 đánh giá học sinh tiểu học
Theo Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT quy định đánh giá học sinh tiểu học, học bạ dùng để ghi kết quả tổng hợp đánh giá cuối năm học của học sinh.
Dưới đây là một số lời nhận xét học bạ học sinh tiểu học cuối kỳ 2 theo Thông tư 27 đánh giá học sinh tiểu học như sau:
(1) Nhận xét về năng lực
* Năng lực tự chủ và tự học
Em có tinh thần tự giác cao, luôn chủ động hoàn thành tốt các nhiệm vụ học tập được giao.
Em biết tổ chức việc học một cách khoa học và có khả năng tự học, tự tìm tòi kiến thức mới.
Em tích cực tham gia hoạt động nhóm và có trách nhiệm với phần việc của mình.
Em đã biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống một cách linh hoạt.
* Năng lực giao tiếp và hợp tác
Em mạnh dạn chia sẻ ý kiến, biết lắng nghe và tôn trọng quan điểm của người khác.
Em làm việc nhóm hiệu quả, hỗ trợ và phối hợp tốt với các bạn trong các hoạt động chung.
Em luôn thể hiện sự thân thiện, hòa đồng và hợp tác tích cực với bạn bè.
Em có kỹ năng giao tiếp tốt, thể hiện sự tự tin trong các buổi thảo luận, trình bày.
(2) Nhận xét về phẩm chất
* Chăm chỉ và kiên trì
Em luôn thể hiện thái độ học tập nghiêm túc, chăm chỉ và kiên trì với nhiệm vụ được giao.
Em không ngại khó, luôn cố gắng vượt qua thử thách để hoàn thành bài học tốt nhất có thể.
* Trung thực và trách nhiệm
Em có tinh thần trung thực trong học tập và các hoạt động hàng ngày.
Em có ý thức trách nhiệm cao, luôn hoàn thành đúng hạn và đầy đủ các công việc được phân công.
(3) Nhận xét các môn học
* Môn Tiếng Việt
Em có kỹ năng đọc hiểu tốt, nắm được nội dung bài và biết trả lời câu hỏi rõ ràng, đúng ý.
Em diễn đạt mạch lạc, có khả năng trình bày suy nghĩ của mình một cách tự nhiên và hợp lý.
Em viết chữ đẹp, trình bày bài sạch sẽ và có ý thức giữ gìn vở học cẩn thận.
* Môn Toán
Em nắm vững kiến thức nền tảng và biết áp dụng linh hoạt vào các dạng bài tập khác nhau.
Em có khả năng tư duy logic, giải quyết bài toán nhanh và chính xác.
Em biết kiểm tra lại kết quả sau khi làm bài, từ đó hạn chế sai sót.
* Môn Tự nhiên và Xã hội
Em hiểu và ghi nhớ tốt các kiến thức về thế giới tự nhiên và xã hội xung quanh.
Em có khả năng liên hệ kiến thức với thực tế cuộc sống một cách sinh động.
Em tham gia tích cực vào các hoạt động thảo luận, biết trình bày hiểu biết và quan sát của mình.
Mẫu nhận xét học bạ học sinh tiểu học cuối kỳ 2 theo Thông tư 27. Cách ghi học bạ học sinh tiểu học chi tiết nhất (Hình từ Internet)
Cách ghi học bạ học sinh tiểu học chi tiết nhất
Khi ghi Học bạ, giáo viên cần nghiên cứu kỹ Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT quy định đánh giá học sinh tiểu học của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học.
Theo Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT quy định đánh giá học sinh tiểu học, cách ghi học bạ học sinh tiểu học chi tiết nhất như sau:
(1) Trang 3, thông tin ghi theo giấy khai sinh của học sinh.
(2) Mục "1. Các môn học và hoạt động giáo dục"
- Trong cột "Mức đạt được": Ghi ký hiệu T nếu học sinh đạt mức "Hoàn thành tốt"; H nếu học sinh đạt mức "Hoàn thành" hoặc C nếu học sinh ở mức "Chưa hoàn thành".
- Trong cột "Điểm KTĐK" đối với các môn học có Bài kiểm tra định kỳ: ghi điểm số của bài kiểm tra cuối năm học; đối với học sinh được kiểm tra lại, ghi điểm số của bài kiểm tra lần cuối.
- Trong cột "Nhận xét": Ghi những điểm nổi bật về sự tiến bộ, năng khiếu, hứng thú học tập đối với các môn học, hoạt động giáo dục của học sinh; nội dung, kỹ năng chưa hoàn thành trong từng môn học, hoạt động giáo dục cần được khắc phục, giúp đỡ (nếu có).
(3) Mục "2. Những phẩm chất chủ yếu" và mục "3. Những năng lực cốt lõi"
- Trong cột “Mức đạt được” tương ứng với từng nội dung đánh giá về phẩm chất, năng lực: ghi ký hiệu T nếu học sinh đạt mức “Tốt”, Đ nếu học sinh đạt mức “Đạt” hoặc C nếu học sinh ở mức “Cần cố gắng”.
- Trong cột “Nhận xét” tương ứng với nội dung đánh giá về phẩm chất: ghi các biểu hiện, sự tiến bộ, ưu điểm, hạn chế hoặc khuyến nghị (nếu có) về sự hình thành và phát triển một số phẩm chất chủ yếu của học sinh.
Ví dụ: Đi học đầy đủ, đúng giờ; mạnh dạn trình bày ý kiến cá nhân; biết giữ lời hứa; tôn trọng và biết giúp đỡ mọi người;...
- Trong cột "Nhận xét" tương ứng với nội dung đánh giá về năng lực: ghi các biểu hiện, sự tiến bộ, ưu điểm, hạn chế hoặc khuyến nghị (nếu có) về sự hình thành và phát triển một số năng lực chung, năng lực đặc thù của học sinh.
Ví dụ: Biết vệ sinh thân thể, ăn mặc gọn gàng; chủ động, phối hợp trong học tập; có khả năng tự học; ...; sử dụng ngôn ngữ lưu loát trong cuộc sống và học tập, biết tư duy, lập luận và giải quyết được một số vấn đề toán học quen thuộc;...
(4) Mục "4. Đánh giá kết quả giáo dục"
Ghi một trong bốn mức: “Hoàn thành xuất sắc”; “Hoàn thành tốt”; “Hoàn thành” hoặc “Chưa hoàn thành”.
(5) Mục "5. Khen thưởng"
Ghi những thành tích mà học sinh được khen thưởng trong năm học.
Ví dụ: Đạt danh hiệu Học sinh Xuất sắc; Đạt danh hiệu Học sinh Tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện; Đạt giải Nhì hội giao lưu An toàn giao thông cấp huyện;...
(6) Mục “6. Hoàn thành chương trình lớp học/chương trình tiểu học”
Ghi Hoàn thành chương trình lớp ......../chương trình tiểu học hoặc Chưa hoàn thành chương trình lớp ......./chương trình tiểu học; Được lên lớp hoặc Chưa được lên lớp.
Ví dụ:
- Hoàn thành chương trình lớp 2; Được lên lớp 3.
- Hoàn thành chương trình tiểu học.